Trong Mạng Mà Có Thì Đến Thời Rốt Cuộc Sẽ Có!

NPSTD7

 

Trong Mạng Mà Có Thì Đến Thời Rốt Cuộc Sẽ Có!

Điều khó thể chịu đựng nhất chính là kẻ cướp bóc, cưỡng đoạt đã bị tống giam mà vẫn có thể dùng tiền [hối lộ] để chuộc ra. Kẻ nhận hối lộ đã làm trái pháp luật, lại ngược  ngạo ra oai [hòng lấp liếm lỗi ấy]. Đối với những tội trộm cắp hàng hóa tại tiệm buôn là những tội vặt vãnh, bèn sử dụng những hình phạt tột cùng tàn độc thấu xương! Còn như kẻ quan tước càng to, cai quản dân chúng càng đông, một người ăn hối lộ, ắt ngàn người bẻ cong pháp luật. Mười người đùa bỡn với pháp luật, ắt vạn người làm tượng đất [để chôn theo]! Như tám trăm thạch hồ tiêu của Nguyên Tải, tám mươi vò đường sương của Giả Tự Đạo. Cố nhiên là khiến cho thiên hạ loạn lạc; nhưng những gì bọn chúng nó đã chất chứa, há có còn hay chăng?

Phàm là bậc trưởng quan, há nên nghĩ “ta cốt sao giữ mình trong sạch” là được rồi! Hãy nên nghiêm cấm thuộc hạ và những quan lại dưới quyền tham ô. Vì sao? Trưởng quan tai mắt hữu hạn, mọi chuyện toàn là do những nha lại trong công môn lo liệu. Nếu như [trưởng quan] luôn đối chiếu, luôn tra xét tường tận mọi vụ án, mọi hình phạt, xét xem trong ấy có những vụ nào mà người nghèo bị mắc lụy, oan uổng gánh tội, hoặc kẻ ngu bị lừa gạt, kẻ yếu thế bị kẻ khác khống chế, gào trời vỗ đất, không cách nào tố cáo được! Chỉ có người trong công môn, dưới là tiếp nhận nỗi đau của người dân, trên là thông hiểu những mối quan hệ trong chốn quan trường. Khi [người dân đang lúc] gian khổ, trơ trọi, nguy ngập, mà nâng đỡ một phần, sẽ hơn tạo phương tiện cho người khác mười phần! Khoan dung một phần, sẽ hơn tạo phương tiện cho người khác mười phần! Nếu có thể cứu giúp kẻ bần cùng, giải trừ oan ức, dạy kẻ ngu, nâng đỡ kẻ yếu thế, chẳng thừa dịp họ gặp nguy mà gạt gẫm, chẳng vì ăn của hối lộ mà đánh đập [phạm nhân hoặc nghi can] tàn khốc, chẳng cần hiểu biết cặn kẽ tình tiết mà đã cố ý oan uổng họ, chẳng điên đảo văn từ (chơi chữ, gài bẫy để kết tội), rối loạn pháp luật, ắt trong một ngày, có thể làm được mười mấy việc thiện. Tích lũy ba năm, sẽ có mấy vạn điều thiện. Người ta đang trong cơn khốn khó, ai mà chẳng biết cảm kích? Thần minh [ở cách đỉnh đầu] ba thước, có vị nào chẳng phù hộ? Tự nhiên hằng ngày chuyện cát khánh (tốt lành) sẽ xảy tới, con cháu hưng thịnh. Nếu chẳng như vậy, tài sản tom góp bằng sự oán độc, dẫu đạt được cũng chẳng phải là phước!
Lại có kẻ nghèo túng chẳng có tiền tài để [quan trên, nha lại] có thể lừa gạt được; vì thế, bèn dùng hình phạt tàn khốc [để hành hạ họ, làm như thế] chỉ tổn âm chất, chất chứa oán hận để làm gì? Bất luận xưa kia hay trong hiện thời, bậc hào kiệt ẩn thân trong chốn nha môn cũng luôn cúng tế cô hồn, làm trai đàn, thâu nhặt chon cất đầu lâu, hoặc cũng có kẻ thương xót người già cả cô quạnh, nghèo khó, bèn kêu gọi quyên góp châu cấp, nuôi nấng. [Những người như vậy] toàn là người tốt tâm lành, có ai chẳng phải là con hiếu, cha nhân từ? Chỉ sợ những kẻ coi tiền tài quá nặng, chắc là cõi âm sẽ quở phạt chẳng nhẹ! Sao bằng châm chước tài lực [của chính mình] có thể [giúp đỡ những kẻ nghèo khổ] hay không, lòng luôn nghĩ tạo thuận tiện [cho người khác], dẹp bớt oai thế hùng hổ, đừng buông lung tàn độc? Trong mạng mà có thì đến thời rốt cuộc sẽ có, mai sau ắt hưởng phước lâu dài! Trong ấy (trong số các quan lại, nha dịch), có những vị thiện tín, diệu nhân, hãy nên dùng ý này để khuyên bảo các đồng liêu, công đức càng là vô lượng.
Phàm là những kẻ làm sai dịch trong chốn cửa công, quen thói bẻ cong pháp luật, quen tật đánh đập [tội nhân], giống như những kẻ làm nghề đồ tể, tích tập lâu ngày, ý niệm giết chóc ngày càng thêm lừng, ý niệm cứu sống ngày càng ít ỏi. Vì thế, có kẻ lúc mới vào nha môn, vẫn còn có lòng [trắc ẩn], lâu năm bèn biến thành gã giặc giảo hoạt, quên sạch tánh [hiền lương, nhân từ] thuở trước.
Lại có kẻ chính mình còn là người tốt, nhưng do bị mọi người công kích, rốt cuộc đọa trong ác đạo. Vì thế, đối với tâm thuật [của chính mình], chẳng thể không cẩn thận. Những kẻ táng tận lương tâm quá mức, cáo mượn oai hùm, tự cho mình là bậc hào kiệt, làm những chuyện gian trá trái pháp, tranh nhau khoe khoang ta là kẻ đảm lược, mưu trí, chẳng biết là đang tạo ác, tạo nghiệp, con cháu sẽ phải hứng chịu, đời sau phải đền trả, cũng ích chi đâu? Khoan hãy nói đến những điều xa xôi ấy, hãy nhìn vào những gì ta [có thể] thấy nghe trước mắt. Kẻ hại người đã nhiều, lừa gạt quá mức, bị dân trong huyện cùng nhìn bằng nửa mắt, có kẻ nào chẳng mắc vào lưới pháp luật? Trong số đó, có kẻ ăn chay, tụng kinh để chuộc tội trước. Cố nhiên cũng là do lương tâm chớm nẩy, có thể giải trừ một, hai phần, nhưng nếu ỷ vào đó, bảo là “có thể chuộc lỗi ác” rồi cứ mặc sức làm bậy chẳng màng thì sai mất rồi! Tiền của do bất nghĩa mà có, bố thí vô ích!
Hơn nữa, sám hối tội lỗi mà vẫn tạo tội, tội càng nặng thêm. Chẳng thà làm phương tiện này, khoan dung đối với kẻ bần cùng, cứu vớt người oan khổ. Mọi người biết kẻ như vậy là bậc trưởng giả trung hậu, ắt sẽ nương cậy nhiều, mà tài vật đạt được cũng khá. Gần thì là có pháp luật của nước nhà, xa thì là cõi âm trách phạt, hãy nghĩ kỹ nhé!
Đời Minh, ông Cảnh Cửu Trù giữ chức Lưỡng Hoài Diêm Vận Ty, nổi tiếng liêm khiết. Có lần ông ngồi bên bờ nước, một đứa bé trai thưa: “Nước thanh khiết chẳng bằng sự thanh liêm của sứ quân”. Đầu niên hiệu Thiên Thuận, vua muốn đề cử quan viên liêm khiết để tuyên cáo cùng thiên hạ, bèn xuống chiếu phong ông làm Đô Ngự Sử. Về sau, ông làm Thượng Thư. Con ông là Dụ, tuân thủ lời cha giáo huấn, suốt đời vâng giữ sự thanh tu, cũng làm quan đến chức Thái Tử Thái Bảo, Lại Bộ Thượng Thư.
Phàn Quang làm Quận Tá tại Giao Chỉ, đang làm việc tại nha môn, bỗng gió giật, sấm đánh dữ dội. Phàn Quang, con trai hắn và con chó đều bị sét đánh chết. Vợ hắn trong lúc sấm sét thấy một đạo sĩ nắm lấy thân bà ta, đặt sang chỗ khác, bèn được thoát nạn. Mọi người hỏi duyên cớ, bà vợ đáp: “Từng có hai người thưa kiện nhau, cùng bị tống giam. Kẻ đuối lý bèn hối lộ Phàn Quang, Phàn Quang liền thả kẻ ấy. Người đúng lý lại bị tra khảo dữ dội nhằm ép người ấy nhận tội oan uổng. Những thức ăn [do người nhà] gởi cho người ấy, Phàn Quang đều tước đoạt, đem cho con trai và chó ăn. Người tù ấy vì đói sắp chết, nghe nói ông ta ở trong ngục bèn xõa tóc tố cáo lên cõi trời. Chẳng đầy mấy bữa bèn xảy ra chuyện này”.
Hầu Giám làm huyện lệnh ở Giang Hạ, làm bạn với một vị Tăng, mỗi khi rảnh rỗi ắt đến thăm. Hễ đến thăm, vị Tăng ắt đã bày tiệc sẵn. Ngẫu nhiên có một hôm đến thăm, Sư đãi đằng thiếu sót. Hầu Giám hỏi nguyên cớ, vị Tăng đáp: “Mỗi lần ông đến, thần Thổ Địa ắt báo trước. Lần này chẳng báo; do vậy, sơ sót trong tiếp đãi”. Hầu Giám kinh ngạc, bảo vị Tăng hãy hỏi Thổ Địa nguyên do chẳng báo. Đêm ấy, vị Tăng mộng thấy [thần Thổ Địa] nói: “Hầu Giám vốn đáng lẽ làm đến Tể Tướng, nhưng gần đây, hắn đã nhận sáu mươi lượng bạc [đút lót] của họ Hồ để xét xử oan uổng một chuyện. Thiên tào đã tước bỏ chức vị Tể Tướng của hắn, chỉ được làm đến chức Giám Ty, chẳng thuộc quyền thống nhiếp của tôi nữa, cho nên chẳng báo”. Ôi! Dùng sáu mươi lượng tiền hối lộ để đổi lấy địa vị Tể Tướng, là có trí hay ngu si vậy? Hơn nữa, thần minh không vị nào chẳng tận lực khuyên dạy con người “nhận của đút lót sẽ bị giảm phước”, nhưng kẻ chẳng tự biết đông lắm!
Lại như thôi quan (vị quan trông coi về hình pháp) là Ngụy Chiêu từng nhận của đút lót bốn trăm lạng, cố ý gỡ tội cho kẻ nọ, khiến người đã bị hại chết phải ngậm oan chẳng giãi bày được. Thượng Đế tước bỏ bổng lộc, ngạch trật, và tuổi thọ của hắn; năm sau, Ngụy Chiêu chết ngắc. Người thời nay thường bảo “gỡ tội đỡ hơn buộc tội” để bào chữa. Theo đúng pháp, chẳng thể dung túng [kẻ có tội], chẳng thể oan uổng người vô tội!
Hạ Xán Nhiên ở Tú Thủy, làm nha lại trông coi hình sự, liêm khiết, chẳng tham. Xét án công bằng, khoan dung, xét theo tình cảm lẫn pháp luật đều thích đáng. Đối với những tội nhân đáng thương, ông thường rộng dung, khoan hồng. Gặp lúc hai tỉnh Sơn Đông và Hà Nam bị mất mùa, ông Hạ lại viết sớ, khuyên Diêu Tư Nhân [đang làm Công Bộ Thượng Thư thuở ấy] hãy xin vua phát chẩn, cứu sống ngàn vạn người. Về sau, ông Hạ đỗ Tiến Sĩ lúc bốn mươi tuổi, làm quan đến chức Lại Bộ Thượng Thư.

 

yeu thuong1


Ông Trần Tài từng nằm mộng thấy thần bảo: “Tử túy khôi dã, thả liên đệ, quan chí Tuần Phủ” (Con trai của ngươi sẽ đỗ đầu khoa Tân Dậu, đỗ đạt liên tiếp, làm quan tới chức Tuần Phủ). Ông tỉnh giấc bèn kể với người khác. Có người nói: “Túy là Tân Dậu”. Đến năm Tân Dậu, quảnhiên con ông thi đậu, nhưng thi Hội chẳng đỗ. Ông hoài nghi giấc mộng chẳng ứng nghiệm. Lại mộng thấy thần bảo: “Số trời là cố định, có sự chuyển dời là do con người. Như thiên tử sủng ái một đại thần, ban cho tước lộc trọng hậu. Nếu đại thần chẳng tận lực trung thành, há có thể nào chẳng bị đoạt mất chức tước, bổng lộc ư? Hoặc là cậy được vua sủng ái mà chuyên phóng túng dụng hình, giết chóc, ắt họa sẽ xảy đến thân! Số trời và phép nước giống nhau. Sau khi con trai của ngươi đỗ kỳ thi Hương, ngươi đã làm năm chuyện [sai trái], nhận tiền hối lộ của kẻ khác, tổn đức nhiều lắm! Há có nên oán trời tước đoạt phước của ngươi ư? Từ nay hãy nên tu đức, may ra còn giữ được tuổi thọ. Nếu không, sẽ đoạt mất tuổi thọ của ngươi!” Ông Trần khóc, lạy, tỉnh giấc, hối lỗi, hướng lành, [rốt cuộc con trai ông ta] chỉ làm tới chức Huấn Đạo là hết mức!
Phàm là người đã đỗ Cử Nhân, hãy nên tu thân như ngọc, chuyên chú làm những việc gieo bồi đức hạnh, ắt sẽ đỗ đạt và thăng chức đều dễ dàng. Hiềm rằng, kẻ đã bước chân vào chốn quyền thế, lợi lộc, chỉ mong thỏa lòng khoái ý, chẳng biết dẫu tài văn chương cao sâu mà chẳng gặp thời, công danh vẫn bị trở ngại! Thậm chí còn bị giảm thọ, chết yểu, đều thuộc hạng người này. Xin những ai có chí, hãy liền phản tỉnh tu thân. Còn như bậc hương thân là những người được dân chúng ngưỡng vọng, họ đã từ quan về nghỉ, hễ làm lành sẽ có thể khiến cả quận huyện bị cảm hóa, hưng khởi phong tục tốt đẹp cho cả châu lý, vun bồi cho thế hệ sau gấp trăm lần những kẻ đang làm quan. Vì thế, kẻ có thể thân cận người hiền, tuyên dương điều thiện, chủ trì phong tục, những người ấy là bậc thượng. Người giữ cho bản thân chánh đáng hòng hướng dẫn mọi người noi gương, tự giữ sự điềm tĩnh, sẽ kém hơn một bậc. Kém hơn nữa là hạng lo tậu ruộng mua nhà. Kém hơn nữa là hạng người lường gạt con côi, đối xử hung bạo với bà góa. Kém hơn nữa là hạng người mưu cầu tài lợi, nói đến chuyện gì cũng vòi tiền, khiến cho phong hóa biến đổi [ngày càng tệ hơn], chẳng dám nhắc tới nữa!
Vương Tảo làm nha lại thuộc về hình pháp, mỗi ngày đều cầm tiền về. Bà vợ ngờ chồng ăn hối lộ trong khi thẩm tra, bèn sai đứa tớ gái đem mười cái móng giò lợn đem biếu. Đến khi chồng về, bèn nói: “Tôi sai người biếu ông mười ba cái”. Vương Tảo giận đứa tớ gái lấy trộm, bèn tra khảo nghiêm ngặt, đứa tớ gái bị ép uổng phải nhận tội. Bà vợ bèn nói: “Ông hằng ngày cầm tiền về, tôi ngờ ông giở mánh khóe gán ghép kết tội, cho nên dùng chuyện đứa tớ gái để thử ông. Hễ bị tra tấn thì [nghi can] có chuyện gì mà chẳng thừa nhận! Xin ông từ nay đừng đem một đồng nào về nữa! Nhận vật bất nghĩa, sau khi chết, ắt phải chuốc lấy tội vạ”. Vương Tảo run sợ, tỉnh ngộ, mồ hôi ướt đẫm lưng, đề thơ rằng:
Già khảo truy lai chỉ vị câm (kim),
Chuyển tăng oán nghiệp kỷ hà thâm.
Tùng kim bất nguyện cố đao bút,
Phóng hạ quy lai du trúc lâm.
(Khảo tra rốt cuộc vì tiền,
Tăng sâu bao nỗi oan khiên dường nào.
Từ nay nguyện bỏ bút đao,
Quay về rừng trúc tiêu dao tháng ngày).
Ông liền chia hết của cải, bỏ nhà học đạo.

 

images 1

 

Trích Cảm Ứng Thiên Vựng Biên

Như Hòa chuyển ngữ

Các Bài Pháp Nổi Bật

Chỉ Giữ Tấm Lòng Tốt Lành, Nói Lời Tốt Lành, Làm Chuyện Tốt Lành, Nhất Tâm Niệm Phật, Lần Lượt Khuyên Người

  • Mô tả

    Thư trả lời cư sĩ Úc Trí Lãng

    Vãng sanh Tịnh Độ hoàn toàn cậy vào tín - nguyện
    Tục ngữ nói: “Phú ông bất tri bần nhân chi khổ, tráng phu bất tri lão nhân chi khổ” (Phú ông chẳng biết nỗi khổ kẻ nghèo, người khỏe mạnh chẳng biết nỗi khổ của người già). Ông cho rằng Quang cự tuyệt chẳng qua là để tịnh tu mà thôi ư? Ông chẳng biết thật ra là vì mục lực lẫn tinh thần đều chẳng đủ. Chỉ nội chuyện đọc thư ông gởi đến và để viết thư trả lời thì kiếng đeo mắt lẫn kiếng cầm tay (kính lúp) đều phải dùng đến hết, mới xem, mới viết được!

  • Tích Công Lũy Đức Vô Lượng Vô Biên, Được Tự Tại Trong Hết Thảy Pháp, Chẳng Thể Dùng Ngữ Ngôn, Phân Biệt Để Biết Được Nổi

  • Mô tả

    Phẩm 9. Viên Mãn Thành Tựu
    Phẩm thứ chín này có tên là Viên Mãn Thành Tựu. Từ phẩm thứ tư đến phẩm thứ tám đều nói hạnh nguyện của Pháp Tạng Ðại Sĩ lúc tu nhân; từ phẩm này trở đi, kinh nói về quả đức thành tựu. Nội dung phẩm này gồm ba phần:
    - Phật khen ngợi Pháp Tạng nhân viên quả mãn.
    - A Nan thưa hỏi.
    - Thế Tôn đáp thẳng vào câu hỏi.

  • Pháp Niệm Phật Khẩn Yếu Nhất Là Có Lòng Tin Chân Thật, Nguyện Thiết Tha

  • Mô tả

    Nếu có thể nhiếp tâm thì mới gọi là người niệm Phật thật sự

    Người niệm Phật hãy nên cung kính, chí thành, từng câu từng chữ trong tâm niệm cho rõ ràng, rành mạch, miệng niệm cho rõ ràng rành mạch. Nếu làm được như thế, dẫu chẳng thể hoàn toàn không có vọng niệm, nhưng cũng chẳng đến nỗi quá đáng. Có lắm kẻ chỉ mong lẹ, mong nhiều, thuận miệng niệm ào ào, cho nên không có hiệu quả! Nếu có thể nhiếp tâm thì mới gọi là người niệm Phật thật sự. Đại Thế Chí Bồ Tát đã ví dụ “như con nhớ mẹ”, trong tâm con chỉ nghĩ đến mẹ, những cảnh khác đều chẳng phải là chuyện trong tâm chính mình. Vì thế có thể cảm ứng đạo giao.

  • Chẳng Bị Xoay Chuyển Bởi Những Thứ Tri Kiến Ấy, Lại Còn Giữ Vẹn Luân Thường, Trọn Hết Bổn Phận, Dứt Lòng Tà, Giữ Lòng Thành...

  • Mô tả

    Thư trả lời cư sĩ Hùng Huệ Dực (trích lục)
    (năm Dân Quốc 20 -1931)

    Đã biết đến pháp môn này, nỡ nào để cha mẹ ta chẳng được hưởng lợi ích hay sao?
    Cha mẹ ông tuổi đã cao, đúng là lúc nên mềm mỏng khuyên họ ăn chay niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Đã biết đến pháp môn này, nỡ nào để cha mẹ ta chẳng được hưởng lợi ích hay sao? Hãy nên làm cho anh em trai, chị em gái, thê thiếp, con cái, họ hàng, bạn bè và hết thảy những người quen biết cùng tu Tịnh nghiệp.

  • Hương Báu Xông Khắp

  • Mô tả

    Chánh kinh:
    Ngã tác Phật thời, hạ tùng địa tế, thượng chí hư không, cung điện, lâu quán, trì lưu, hoa thụ, quốc độ sở hữu nhất thiết vạn vật, giai dĩ vô lượng bảo hương hợp thành. Kỳ hương phổ huân thập phương thế giới. Chúng sanh văn giả, giai tu Phật hạnh. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
    Lúc tôi thành Phật, dưới từ mặt đất, trên đến hư không, cung điện, lầu, quán, ao, suối, cây hoa, tất cả hết thảy vạn vật trong cõi nước đều dùng vô lượng hương báu hợp thành. Hương ấy xông khắp mười phương thế giới. Chúng sanh ngửi thấy đều tu Phật hạnh. Nếu chẳng được vậy, chẳng lấy Chánh Giác.

  • Sẽ Vĩnh Viễn Không Còn Lo Ngờ Nữa!

  • Mô tả

    Biết tâm vui đạo hết sức chân thành, tha thiết [nên 'cảm ứng đạo giao']

    Nhận được thư biết tâm cư sĩ vui đạo hết sức chân thành, tha thiết. Còn những lời khen ngợi Bất Huệ chưa thoát khỏi thói quen thế tục. Quang là một ông Tăng tầm thường, chỉ biết học theo ngu phu ngu phụ chuyên niệm danh hiệu Phật, sao lại khen ngợi quá mức như thế? Như ông quyên góp in bộ An Sĩ Toàn Thư, thật đúng là pháp chí thành tu [thân] tề [gia] trị [quốc] bình [thiên hạ] và đoạn Hoặc chứng Chân liễu sanh thoát tử, mỗi mỗi đều đầy đủ.

  • Hồng Danh Vạn Đức Chính Là Vô Thượng Giác Đạo Như Lai Đã Chứng Nơi Quả Địa!

  • Mô tả

    Chẳng duyên theo Phật giới sẽ duyên theo cửu giới

    Pháp môn Niệm Phật cao cả thay! Do một niệm tâm tánh của chúng ta giống như hư không thường hằng bất biến. Tuy thường chẳng biến nhưng niệm niệm tùy duyên, chẳng duyên theo Phật giới sẽ duyên theo cửu giới, chẳng duyên theo tam thừa sẽ duyên theo lục đạo, chẳng duyên theo nhân thiên sẽ duyên theo tam đồ. Do duyên nhiễm - tịnh bất đồng cho nên quả báo khổ - vui rất khác. Tuy bản thể trọn chẳng biến đổi gì, nhưng Tướng - Dụng cố nhiên khác nhau một trời một vực! 

  • Trụ Chánh Định Tụ; Vui Như Lậu Tận

  • Mô tả

    Chánh kinh:
    Ngã tác Phật thời, quốc trung vô bất thiện danh. Sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, giai đồng nhất tâm, trụ ư Định Tụ, vĩnh ly nhiệt não, tâm đắc thanh lương. Sở thọ khoái lạc, do như Lậu Tận tỳ-kheo. Nhược khởi tưởng niệm, tham kế thân giả, bất thủ Chánh Giác.
    Lúc tôi làm Phật, trong nước không có danh từ bất thiện. Tất cả chúng sanh sanh trong nước tôi đều đồng một tâm, trụ nơi Ðịnh Tụ, vĩnh viễn thoát khỏi nhiệt não, tâm được thanh lương, hưởng thọ khoái lạc như là Lậu Tận tỳ-kheo. Nếu họ khởi tưởng niệm tham chấp cái thân thì chẳng lấy Chánh Giác.