Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh tự, hoan hỷ tín nhạo, lễ bái quy mạng, dĩ thanh tịnh tâm, tu Bồ Tát hạnh, chư thiên thế nhân, mạc bất trí kính. Nhược văn ngã danh, thọ chung chi hậu, sanh tôn quý gia, chư căn vô khuyết, thường tu thù thắng phạm hạnh. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
Lúc tôi thành Phật, mười phương chúng sanh nghe danh hiệu tôi hoan hỷ tin ưa, lễ bái, quy mạng, dùng tâm thanh tịnh tu Bồ Tát hạnh. Chư thiên, người đời ai chẳng cung kính. Nếu nghe tên tôi, sau khi hết tuổi thọ sẽ sanh nhà tôn quý, các căn chẳng khuyết, thường tu phạm hạnh thù thắng. Nếu chẳng được thế, chẳng lấy Chánh Giác.
(Nguyện hai mươi lăm: Trời người lễ kính; nguyện hai mươi sáu: Nghe tên được phước; nguyện hai mươi bảy: Tu hạnh nguyện thù thắng)
Chương này gồm ba nguyện từ chữ “văn ngã danh tự” (nghe danh hiệu tôi) đến “mạc bất trí kính” (không ai chẳng cung kính) là nguyện hai mươi lăm: “Trời người lễ kính”; từ chữ “nhược văn ngã danh” (nếu nghe tên tôi) đến “chư căn vô khuyết” (các căn chẳng khuyết) là nguyện hai mươi sáu: “Nghe tên được phước”; phần còn lại là nguyện hai mươi bảy: “Tu hạnh nguyện thù thắng”.
Nguyện thứ mười tám “mười niệm ắt vãng sanh” ở phần trước là chánh nhân vãng sanh, là cốt lõi của bốn mươi tám nguyện. Hai nguyện mười chín và hai mươi triển khai nguyện mười tám. Nguyện hai mươi mốt đặc biệt chú trọng những chúng sanh có đủ túc nghiệp: Nếu biết hối lỗi phát tâm Bồ Ðề, nhất tâm chuyên niệm cũng đều được vãng sanh, chẳng đọa ác đạo nữa. Nguyện hai mươi ba chuyên vì phụ nữ: Nghe danh phát lòng tin trong sạch, phát tâm Bồ Ðề cầu sanh Tịnh Ðộ, khi tuổi thọ hết chuyển thành thân nam, vãng sanh Cực Lạc. Những nguyện trên đều là nghe danh hiệu phát tâm, được vãng sanh Tịnh Ðộ, toàn là những sự lợi ích bậc Thượng; chương này nói về sự lợi ích bậc Hạ. Ấy là vì chúng sanh căn khí chẳng đồng nên khi nghe danh phát tâm tin ưa khác nhau, hoặc là do đại tâm chẳng vững vàng, hoặc do tín nguyện chẳng sâu, hoặc do trì niệm chẳng chuyên đến nỗi chẳng thể hoàn toàn khế hợp các đại nguyện của Phật Di Ðà như mười niệm ắt vãng sanh v.v... Vì vậy, đời sau họ chưa thể thoát khỏi sanh tử, chỉ có thể đạt được phước báo trong hiện tại và vị lai, nên phước được hưởng thua kém các nguyện trước.
Chữ “tu Bồ Tát hạnh” trong nguyện hai mươi lăm chỉ Lục Độ, vạn hạnh, đây là tu rộng rãi nhiều thứ điều lành. Kinh này dạy ba bậc vãng sanh đều phát Bồ Ðề tâm, nhất hướng chuyên niệm. Do phát tâm là vua của các nguyện, trì danh là hạng nhất trong các hạnh, nên nếu khuyết những chánh nhân vãng sanh đó thì dẫu có làm các điều thiện một cách rộng lớn nhưng lại chẳng chuyên, nhiều nhưng không tinh, nên chẳng khế hợp bổn nguyện của Phật Di Ðà, khó bề chứng đạo ngay trong đời này. Do đó, chỉ được trời, người cung kính mà thôi!
Đại Nguyện 18: "Văn ngã danh hiệu, chí tâm tín nhạo", Đại Nguyện 25: "Văn ngã danh hiệu, hoan hỉ tín nhạo", niềm tin ưa khác nhau đưa tới kết quả khác nhau. Vì thế, Kinh Phật, Chư Tổ Sư đều khuyên chúng ta đã tin thì phải tin cho sâu, "bất sanh nghi hoặc". Câu Phật hiệu này phải tin cho tới nơi, giữ cho chắc, trọn đời chẳng đổi [mà niệm]. Như thế mới là "chí tâm tín nhạo".
Chúng ta niệm Phật [cầu vãng sanh] là đang nương vào Bổn Nguyện, nên [bất luận căn cơ thế nào đều] nhất định được vãng sanh, đừng hoài nghi điều này [mà bị tổn thất rất lớn].
(Ảnh: Đất trời vào xuân)
Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện
Ngài Hoàng Niệm Tổ