Chánh kinh:
Ngã tác Phật thời, thập phương Phật sát chư Bồ Tát chúng, văn ngã danh dĩ, giai tất đãi đắc thanh tịnh, giải thoát, Phổ Đẳng tam muội, chư thâm tổng trì, trụ tam-ma-địa, chí ư thành Phật. Định trung thường cúng vô lượng vô biên nhất thiết chư Phật, bất thất Định ý. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
Lúc tôi thành Phật, các hàng Bồ Tát trong các cõi Phật mười phương nghe danh hiệu tôi xong ắt đều đạt được thanh tịnh, giải thoát, Phổ Ðẳng tam-muội, các tổng trì sâu, trụ tam-ma-địa, thậm chí thành Phật. Trong Định thường cúng vô lượng vô biên hết thảy chư Phật, chẳng mất Định ý. Nếu chẳng được vậy, chẳng lấy Chánh Giác.
(Nguyện bốn mươi bốn: Phổ Ðẳng tam-muội; nguyện bốn mươi lăm: Trong Định cúng Phật)
Giải:
(...)
Nguyện bốn mươi lăm là “trong Định cúng dường Phật”. Ý nghĩa của việc trong Định cúng dường Phật mà chẳng mất định ý, ý nghĩa tương đồng câu “trụ thâm Thiền Định, tất đổ vô lượng chư Phật” (trụ trong Thiền Định sâu, đều thấy vô lượng chư Phật) trong phẩm Ðức Tuân Phổ Hiền. Ðây chính là cảnh giới rất sâu của Phổ Hiền Đại Sĩ.
Sách Vãng Sanh Luận Chú bảo: “Bậc Bồ Tát từ Bát Ðịa trở lên thường trụ tam-muội. Do sức tam-muội, thân chẳng rời khỏi chỗ mình mà đến khắp mười phương cúng dường chư Phật, giáo hóa chúng sanh”.
Sư Vọng Tây nhận định: “Xét về thường hạnh, ‘trong Định cúng Phật’ là hạnh của bậc Bồ Tát từ Sơ Ðịa trở lên” và “bậc Bồ Tát từ Sơ Ðịa trở lên tuy đã có đức này, nhưng phải từ Bát Ðịa trở lên mới [có thể thực hành hạnh ấy] một cách vô công dụng”. Ý Ngài nói: Bậc Sơ Ðịa Bồ Tát tuy đã có thể “trong Định cúng Phật” nhưng vẫn còn phải dụng công, phải là bậc Bồ Tát từ Bát Ðịa trở lên mới có thể vô công dụng đạo.
Sách Hội Sớ bảo các vị tân phát ý Bồ Tát ở những phương khác do nghe danh hiệu Di Ðà nhanh chóng dự vào những ngôi vị Bồ Tát trong Thập Địa, đắc các tam-muội, trụ trong Định cúng Phật. Sách viết:
“Dẫu là hạng tân phát ý Bồ Tát mà nghe được danh hiệu liền có thể Định - Huệ tương tức (Định tức là Huệ, Huệ tức là Định, không còn cách ngại gì nữa), Chân, Tục soi chiếu lẫn nhau, nhanh chóng chứng đắc các ngôi vị Bồ Tát trong Thập Địa. Kinh Văn Thù Bát Nhã cũng bảo: ‘Niệm nhất Phật công đức, vô lượng vô biên, diệc dữ vô lượng vô biên chư Phật vô nhị’ (Công đức niệm một vị Phật vô lượng vô biên, chẳng khác gì công đức niệm vô lượng chư Phật).
Phật pháp bình đẳng vô sai biệt chẳng thể nghĩ bàn, đều nương theo Nhất Như thành tối Chánh Giác, đều đầy đủ vô lượng công đức biện tài. Nhập được Nhất Hạnh tam-muội (tức là Niệm Phật tam-muội) thì biết hết tất cả các tướng pháp giới sai biệt của hằng sa chư Phật”.
Nói “trong tam-muội biết tất cả tướng pháp giới sai biệt của chư Phật” chính là nói “trụ trong Định cúng Phật”.
Ảnh minh họa: Cúng dường Chư Phật
Đây là đoạn chú giải còn lại dành cho lời Nguyện "Trong Định cúng Phật", của các bậc Bồ Tát khắp thập phương khi nghe được danh hiệu Phật. "Trong Định thường cúng vô lượng vô biên hết thảy chư Phật, chẳng mất Định ý". Thật sự vậy chăng? Thật sự là như vậy. Với hàng Bồ Tát thì một khi nghe được danh hiệu Phật [cùng niệm Phật] thì hầu như 'không gì là không thể'! Bởi các Ngài đã ở cảnh giới kề cận Chư Phật rồi, nên sự lãnh hội Vạn đức hồng danh này không thể nghĩ bàn được. Tuy nhiên, như đã đề cập phần trước, nhưng nếu các vị ấy vẫn ở cõi nước của mình, không phát nguyện cầu sanh về Cực Lạc thì việc hành trì dụng công như thế [niệm Phật] cũng chưa đảm bảo chắc chắn là sẽ thành Phật. Tức là không phải vị nào cũng có thể tự thành Phật được, dẫu thọ dụng Pháp vi diệu thù thắng ra sao, nếu không cậy vào Nguyện lực của Phật A Di Đà. Vì thế nên các Ngài thường hay nói "Mười phương chúng sanh nếu lìa Pháp này thì trên chẳng thể trọn thành Phật đạo, mười phương Chư Phật nếu lìa Pháp này thì dưới chẳng thể độ khắp quần mê". Cho nên Pháp môn này cùng Đức Phật Vô Lượng Thọ ngài được đồng thanh mười phương Chư Phật "xuất tướng lưỡi rộng dài phóng vô lượng quang minh nói lời thành thật, khen ngợi công đức bất khả tư nghì của Phật Vô Lượng Thọ".
Chúng ta tiếp tục công việc 'hàng ngày', đó là việc gầy dựng và giữ gìn Tín tâm, một trong những 'khâu' quan trọng bậc nhất đối với hành giả Tịnh Độ, ngõ hầu đời này chúng ta phải quyết chí lấy được tấm vé về Tây mới được. Chúng ta đã được nghe đọc nhiều, rằng Phật nói "Pháp này khó tin", "Nếu xa xưa không tu phước huệ, thì Chánh pháp này không thể nghe". Vậy vì sao Pháp này lại khó tin? Đơn giản là vì như các Ngài nói "dụng công dễ, thành tựu cao", hay "nhanh chóng, thẳng tắt"... nói chung là vượt trỗi hơn hẳn các Pháp môn khác, nên trở thành khó tin. Phàm phu chúng ta hễ cái gì mà 'đặc biệt' là khó tin, không thể tránh khỏi ngờ vực này kia, đây là điều dễ hiểu. Mà ở đây lại 'đặc biệt' [dễ] một cách cùng cực, "Mười niệm ắt vãng sanh" [liễu thoát sanh tử, siêu phàm nhập thánh, chắc chắc sẽ thành Phật trong một đời...], như thế thì làm sao liệu có thể tin ngay cho được, nếu không có thiện căn sâu dày, "đã từng cúng dường các Như Lai"... Nói chung, con người chúng ta ở thế gian này đôi khi phải vất vả cần lao quá nhiều chỉ vì 'miếng cơm manh áo' hay vì chút công danh sự nghiệp gì đó mà phải nổ lực gần hết cả một đời người, rồi đến khi bước chân vào đường đạo, lại đem cái 'công phu' ấy vào tu học hành trì, tức dùng trí phàm thế gian đi suy lường Phật trí, cho nên thật khó khăn để tiếp nhận giáo lý Kinh điển, nếu không dựa vào túc căn sâu dày, tức là đã nhiều đời nhiều kiếp huân tu rồi. Chứ thật ra, nếu chúng ta 'gột rửa' hết những tình kiến thế gian đi, chân thật tin nhận lời Phật thuyết thì đâu có gì là quá sức đâu. Tức là Phật thuyết sao thì cứ tin nhận y như vậy mà hành trì theo, như thế chính là đã Y giáo phụng hành lời Phật dạy rồi. Pháp môn này chỉ cần như thế, đừng có 'động não' nhiều, mà hãy 'trở lại ngu si' như các Ngài khuyên dạy, tức là thấy 1 thì biết 1, thấy 2 thì biết 2... chứ đừng cái kiểu thấy 1 biết 10 thì nguy hiểm đấy. Pháp thế gian thì ca ngợi tán thán điều này nhưng với Pháp môn này thì không, chắc chắc là không! Với các pháp Tự Lực để liễu thoát thì rất cần chứ còn riêng với Pháp môn này thì không cần. Phật thuyết sao thì nhớ [và tin] đúng như vậy là được. Phật thuyết "Mười niệm ắt vãng sanh" thì biết mười niệm chắc chắn được vãng sanh. Chỉ cần có tín tâm chân thật như thế thì tự nhiên chẳng ai khuyên nhắc cũng siêng năng chân thật dụng công hành trì, chẳng muốn biếng trể. Công phu hành trì một cách thật chủ động, tự tại, giống như có sự câu thúc từ bên trong vậy, chứ chẳng phải từ áp lực bên ngoài. Cùng là một hình thức dụng công hành trì, nhưng tư tưởng bên trong khác biệt hoàn toàn, một đằng là 'sợ bị rớt' nên mới ra sức công phu, một đằng là 'muốn tích lũy Tịnh nghiệp để tăng trưởng phẩm vị'. Bình thời đã vậy, sự khác biệt vào lúc cuối mới thật sự là 'vấn đề'. Thật sự là 'một trời một vực', đây là ý các Ngài hay nói. Có thể nói các Ngài nói thế là còn ít đấy! Còn luận về sự khó dễ trong quá trình hành đạo thì rất có thể người có Tín tâm chân thật, hành như lý như pháp sẽ dễ 'chiêu cảm' tà ma ngoại đạo hơn [tức ma chướng]. Điều này là rõ ràng, vì các vị ấy cũng có thần thông, có thể nhìn thấy người nào [đang trên đường] được giải thoát người nào không, để mà 'ra tay'. Chứ còn dạng 'cùng một giuộc như nhau cả' [tức vẫn còn trong sanh tử 'như ta'] thì thôi ra tay làm gì cho mệt, còn nếu dạng oán cừu thì từ từ sẽ 'xử lý nó' thôi, có gì mà vội. Tuy nhiên, đó là nói về mặt 'tối' khi tu hành ở cõi ngũ trược này, còn xét về mặt 'sáng' thì việc hành giả hành trì đúng như Pháp Phật chỉ dạy thì sẽ được Chư Phật Chư Bồ Tát ngày đêm theo 'hộ niệm' suốt sáu thời, được Nguyện lực của Phật gia trì bảo hộ, rồi thiện thần hộ pháp... Cho nên dẫu có 'lên bờ xuống ruộng' gì thì hầu như cũng vượt qua hết, chẳng sao cả. Còn nếu đã đạt được "chí tâm tin ưa" thì Tín tâm chắc chẳng thể xê dịch được, gìn giữ hành trì đến cuối đời chắc chắn có chiếc vé về Tây, phẩm vị chắc cũng không đến nỗi quá tệ. Người ta thượng căn thì công phu sâu dày cảnh giới [vãng sanh] sẽ cao, còn mình 'dỡ tệ' thì lấy sự chuyên cần, lâu bền làm gốc, thọ mạng đến lúc nào thì theo Phật về lúc đó. Miễn là đời này cùng được liễu thoát sanh tử, cùng được vào Chính Quốc là viên mãn đạo quả rồi.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện
Ngài Hoàng Niệm Tổ