Chánh kinh:
Hựu kỳ giảng đường tả hữu, tuyền trì giao lưu. Tung quảng thâm thiển, giai các nhất đẳng. Hoặc thập do-tuần, nhị thập do-tuần, nãi chí bách thiên do-tuần. Trạm nhiên hương khiết, cụ bát công đức.
Hai bên giảng đường lại có ao, suối chảy quanh, ngang, dọc, sâu, cạn đều giống hệt nhau, hoặc là mười do-tuần, hai mươi do tuần, cho đến trăm ngàn do-tuần, trong lặng, thơm, sạch, đủ tám công đức.
Giải:
“Hựu kỳ giảng đường tả hữu, tuyền trì giao lưu” (Hai bên giảng đường lại có ao, suối chảy quanh) là tổng tướng, hàm ý: Cây báu, ao sen trọn khắp cõi nước. Quán Kinh nói: “Nhất nhất trì thủy, thất bảo sở thành... Kỳ Ma Ni thủy, lưu chú hoa gian, tầm thụ thượng hạ” (Nước trong mỗi một ao do bảy báu hợp thành… Nước Ma Ni ấy chảy rót vào hoa, lên xuống theo thân hoa). Ta thấy cõi nước Cực Lạc vi diệu, trang nghiêm vượt xa hết thảy.
Trong phần biệt tướng, trước hết nói đến hình dáng, kích thước của từng ao. “Tung” (縱) là nói về độ dài, “quảng” (廣) là nói về chiều rộng. Kích thước, độ sâu cạn của mỗi ao đều ứng hiện theo căn cơ nên chẳng phải chỉ có một kích thước. Do hình thể tương xứng nên mỗi chúng sanh đều thấy các ao giống hệt nhau. Ao to từ mười do-tuần cho đến trăm ngàn do-tuần; đấy đều là thích ứng với từng căn cơ mà hiện ra lớn hay nhỏ.
Kế đó, kinh nói đến đức tánh của nước. Các ao ấy là ao nước tám công đức. Nước trong ao lặng, sạch, trong trẻo, thơm tho nên bảo là “trạm nhiên hương khiết” (trong lặng, thơm, sạch). Nước có đủ tám công đức nên gọi là “bát công đức thủy”.
Kinh Xưng Tán Tịnh Ðộ Phật Nhiếp Thọ bảo: “Hà đẳng danh vi bát công đức thủy? Nhất giả trừng tịnh; nhị giả thanh lãnh; tam giả cam mỹ; tứ giả khinh nhuyễn; ngũ giả nhuận trạch; lục giả an hòa; thất giả ẩm thời trừ cơ khát đẳng vô lượng quá hoạn; bát giả ẩm dĩ định năng trưởng chư căn tứ đại, tăng ích chủng chủng thù thắng thiện căn. Đa phước chúng sanh, trường lạc thụ dụng” (Những gì là nước tám công đức? Một là lặng sạch; hai là trong mát; ba là ngon ngọt; bốn là mềm nhẹ; năm là nhuần thấm sáng bóng; sáu là an hòa; bảy là uống vào trừ được đói, khát, vô lượng khổ sở; tám là uống xong quyết định trưởng dưỡng các căn và tứ đại, tăng ích các thứ thiện căn thù thắng. Chúng sanh nhiều phước thụ dụng sự vui dài lâu). Nước trong cõi Cực Lạc lại có thể khiến cho người uống vào được tăng trưởng các thiện căn thù thắng, thật là cõi Cực Lạc chẳng thể nghĩ bàn.
Ảnh minh họa: "Lại này Xá-lợi-phất! Cõi nước Cực Lạc có ao bảy báu, nước tám công đức tràn đầy trong đó. Ðáy ao toàn trải cát bằng vàng."
(Kinh A Di Đà bằng tranh)
Chúng ta đến với Phẩm 17 - Tuyền trì công đức. Đây là một phẩm nói về Y báo nơi cõi Cực Lạc. 'Ao, suối' ở đây "chảy quanh, ngang, dọc, sâu, cạn đều giống hệt nhau", kích thước thì đủ mọi loại, lớn nhỏ khác nhau, và tất cả đều "trong lặng, thơm, sạch, đủ tám công đức". Những gì là tám công đức? Chúng ta đọc trong Chú giải các Ngài trích dẫn: "Một là lặng sạch; hai là trong mát; ba là ngon ngọt; bốn là mềm nhẹ; năm là nhuần thấm sáng bóng; sáu là an hòa; bảy là uống vào trừ được đói, khát, vô lượng khổ sở...". Thật sự đây còn hơn cả 'nước Thánh' nữa, từ hương vị thơm mát ngon ngọt cho tới uống vào thì thân tâm được mát mẻ, an lạc, tiêu trừ đi bao nhiêu nghiệp chướng... Nói chung tất cả đều là những phương tiện tối thắng, những trợ duyên đắc lực giúp cho mọi người tu tập, hành đạo, sống một đời sống phải nói là vô cùng thích thú, viên mãn. Chúng sanh nơi cõi ấy vừa có thọ mạng dài lâu vô tận, vừa 'tận hưởng' một cuộc sống thật an vui sung sướng biết bao! Chúng sanh ở đó có 'tận hưởng' hay không? Rõ ràng nói không có 'tận hưởng' là không đúng đâu nhé, nhưng sự tận hưởng ở đó khác với ở cõi này, tức chỉ hưởng những Pháp vị, sự an lạc nơi thân tâm đem lại, chứ không phải kiểu 'hưởng thụ' dục lạc như cõi này. Sự hưởng thụ nơi đây là đang tạo nghiệp, tổn phước, còn sự hưởng thụ nơi cõi ấy là từ pháp vị, từ nội tâm thanh tịnh cùng những trợ hạnh trợ duyên đắc lực từ các Y báo Chánh báo ở đó đem lại. Hai hình thức 'tận hưởng' hoàn toàn khác nhau, một đằng là giúp tăng trưởng đạo tâm đạo lực, tích lũy thiện căn công đức, tiêu trừ nghiệp chướng, còn một đằng là 'giúp' tạo nghiệp, tiêu phước, để cùng dìu nhau đi vào 'lòng đất' [Tam đồ, Địa ngục]. Cho nên nhiều người cứ nói về cõi ấy không phải để hưởng thụ, chỉ là để tu tập, hành đạo, rồi nếu ai nghĩ về đó để mà hưởng thụ thì sẽ chẳng được vãng sanh vì trái mục đích trái đạo lý... Nếu suy nghĩ như thế thì thật quá thiển cận, dạng tri kiến kiểu chấp nhặt văn tự, không lẽ chúng sanh về cõi ấy để 'hành xác' chăng? Nơi cõi ấy thậm chí một tiếng 'khổ' còn không có huống là có khổ, rồi một khi không còn 'khổ' thì trái nghịch với 'khổ' đó là gì? Là sự 'hoan hỉ', 'an lạc', 'vui như Tỳ kheo lậu tận'... Bởi nên chúng ta phải hiểu vấn đề một cách bao quát, sâu rộng, đừng suy nghĩ theo kiểu chấp chặt văn tự, bởi như thế sẽ làm cho nhiều người cảm thấy 'sợ' hay ái ngại không muốn về nữa, hay không còn hứng khởi cái tâm cầu sanh về nữa, bởi nghĩ chắc về đó thì phải tu tập hành trì 'suốt ngày suốt đêm' hay 'liên tục không ngừng nghỉ' gì đó, phàm phu chúng ta dù muốn dù không cũng vẫn còn liên tưởng tới những cái 'dục' trước, để nhằm kích thích sự ham muốn, quyết tâm cầu sanh về. Đức Phật ngài kiến tạo nên cõi quốc độ đó như thế nào thì chắc chắn Ngài cũng đã tham khảo, chắt lọc, chọn lựa rất công phu rất kỹ lưỡng nhằm tạo ra một thế giới vừa hấp dẫn vừa thù thắng viên mãn nhằm kích thích thúc đẩy nhu cầu cho chúng sanh Thập phương vân tập về, đó là vấn đề thứ nhất, trước tiên, tiếp đến mới là những phương tiện thiện xảo trợ duyên trợ lực cho việc hành đạo, thuyết đạo, niệm đạo, tất cả đều tùy ý, tự tại cả, không cần bất cứ một khuôn phép, một quy tắt hay một sự 'ràng buộc' nào ở đây cả. Cho nên chúng ta muốn thực sự 'tự tại', thực sự 'tùy ý', thực sự 'hoan hỉ', 'an lạc' thì hãy về cõi ấy, chứ còn ở đây mà nói được 'tự tại' hay cứ 'tùy duyên' niệm Phật, hành trì đi thì chưa đâu, chỉ là nhất thời, mà ở đây phải cần một sự 'hành xác' nhất định nào đó, theo khuôn mẫu phép tắc nhất định, và phải 'ép' cơ thể phải siêng năng tính tấn, không biếng trễ, không được tùy tiện, kiểu muốn gì muốn là không được. Rõ ràng chúng ta thấy, sống giữa cõi đời ô trọc này mà cứ đòi tự tại, tiêu dao thì làm gì mà có, bộ không lẽ xung quanh chúng sanh đều khổ đều 'trược' cả, rồi chỉ 'trừ' mỗi mình ta ra hay sao? Chúng ta liệu có phước báu diễm phúc như vậy chăng? Cho nên một khi còn ở cõi này thì hãy ra sức tu tập để chân thật cầu sanh về cõi ấy cái đã, đừng có vội cầu 'hoan hỉ', 'an lạc' hay 'tự tại' gì cả, rồi một khi về được cõi ấy rồi thì thứ gì mà chẳng có! Nếu có được chút ít gì đó cho bớt 'khổ' bớt 'trược' thì cũng đừng lấy làm vui mừng hay tự hào gì cả, bởi chúng ta luôn phải 'quán chiếu' cõi này là Ngũ trược ác thế, cho nên vừa khổ vừa trược, nói chung bản chất là như vậy.
Chúng ta cùng dành phần còn lại để tiếp tục nói một chút về cái vấn đề muôn thuở, đó là việc gầy dựng phát triển Tín Nguyện tâm cho chân thật, để hành trì đúng như lý như pháp "dùng Tín Nguyện sâu trì danh hiệu Phật". Như Kinh giáo cũng như Chư Tổ Sư chỉ dạy, chúng sanh chỉ cần tin chắc chẳng nghi lời tuyên thệ của Phật, tức Di Đà Bổn Nguyện, rồi duy trì tinh tấn đến cuối đời ắt sẽ được Phật từ quang lâm tiếp dẫn về, thoát khỏi vòng luân hồi khổ đau bức bách này, chỉ trong một đời ngắn ngủi ô trược này. Cho nên vấn đề quan trọng bậc nhất với hành giả Tịnh Độ đó là phải gầy dựng phát khởi cho được Tín Nguyện tâm chân thật đầy đủ, bất sanh nghi hoặc mới được. Đây có thể nói là cả quá trình gầy dựng, học tập, bên cạnh song song việc tinh tấn hành trì, một cách thật công phu khó nhọc chứ chẳng phải chuyện chơi, bởi đâu phải nói muốn có là có ngay được đâu, mà phải tiến dần từng chút một lên, tức là chẳng thể 'một bước lên mây' ngay được, mặc dù cũng câu chữ rõ ràng ra đó, chẳng có gì là khuất tất hay khó hiểu gì cả, nhưng cái Tín tâm nó giống như cả một 'lộ trình' vậy, chứ chẳng phải chỉ là những 'điểm nút' rằng có hay không, rõ ràng là như vậy, những ai chân thật gầy dựng sẽ thấy được điều này. Nhiều người chỉ lầm tưởng đó chỉ là tin hay không tin mà thôi, có gì phải gầy dựng này kia, dạ ở đây không phải như vậy, cái Tín tâm ở đây nó khác, là một 'chân lý' nhưng không phải ai cũng chịu tin như vậy, cho dù đó là lời Phật thuyết ra đi nữa. Cái vấn đề nó nằm ở chỗ chúng sanh đã quen với những điều thất thiệt, sự giả dối, sự thay đổi... giữa cõi đời ô trược này rồi, nên một khi đến với Đạo, cũng đủ loại Pháp môn khác nhau, rồi đến với Tịnh Độ, cũng lắm đường lối tu tập chứ không ít. Như thế thì làm sao đủ sáng suốt để chọn ra con đường phù hợp với bản thân đây. Rồi cho dù đã chọn ra đường lối Tông chỉ là Tín Nguyện niệm Phật đi nữa cũng chưa xong, Tín tâm là tín tâm với cái gì, với điều gì đây, cho nên nhiều khi cứ thấy nói gầy dựng Tín Nguyện đi nhưng chẳng biết Tín tâm cái gì đây nữa, Nguyện thì nguyện cầu sanh về Cực Lạc thì đương nhiên rồi, còn Tín ở đây là tin cái gì? Nói chung hành giả đến giờ này thì đã biết là tin Di Đà Bổn Nguyện rồi, tức chỗ "nãi chí thập niệm" cần phải tin chắc chẳng nghi điều này, "chí tâm tin ưa". Chỉ chút vậy đó thôi, nhưng cố 'tin' hoài mà chẳng tin nổi đấy chứ chẳng phải chơi. Mà một khi gầy dựng hoài vẫn chẳng tiến triển thì chúng ta cần xem lại cách thức, đường lối, nhân duyên... xem có gì cản trở không, rằng trong tâm có còn những kiến giải này kia 'cản đường cản lối' không, nói chung là cần quét sạch các kiến giải này kia ra khỏi tâm trí trước đã, thì việc gầy dựng phát khởi mới 'khả thi' được, còn không thì rất dễ rơi vào bế tắc, bất khả thi. Nói chung là chúng ta phải tìm thấy nguyên nhân từ chính bản thân mình để thúc đẩy lên, chứ chẳng thể đổ thừa cho hoàn cảnh hay 'số phận' gì cả, rằng chắc ta đây còn thiếu thiện căn từ trước, hoặc giả do sinh nhầm gia đình thiếu gia giáo hay thiếu sự giáo dưỡng gì đó mà lớn lên cuộc sống đưa đẩy đã lỡ lầm lạc tạo tác quá nhiều, nhân tâm không được tốt lành ngay thẳng cho lắm, như thế thì việc gầy dựng sẽ không thể được chăng? Vấn đề nó nằm ở chính chúng ta mà thôi, không phải từ môi trường hoàn cảnh nhân duyên từ bên ngoài, rằng nếu nhân duyên không tốt, quá khứ không tốt, thì chúng ta phải cố gắng hồi đầu quay hướng thôi, tu sửa từ chính nhân tâm của mình, học tập cả đạo thế gian và xuất thế gian, hổ trợ tương tác cho nhau. Chúng ta đừng nghĩ những trợ duyên trợ hạnh đó [tức học về Nhân tâm, bổn phận con người] là chẳng quan trọng, chẳng cần mất thời gian, chỉ cần 'buông xả, niệm Phật' là được rồi, dạ cái này thì chỉ giúp về mặt công phu hành trì cho tốt hơn thôi chứ về việc gầy dựng Tín Nguyện tâm thì không phải cứ 'buông xả' là được đâu, mà còn cần nhiều cái khác nữa. Đa phần hiện nay cứ nghĩ chúng ta tu tập đây mà chưa được gì cả đó là do chúng ta chưa buông xả rốt ráo, hay còn dính mắc vào cái này cái kia, chưa thể buông bỏ tất cả. Thật ra đây là cái lý của đường lối gầy dựng công phu [cho đạt Nhất tâm bất loạn], chứ không phải để gầy dựng Tín Nguyện chân thật, niệm Phật, hoặc giả là đang gầy dựng Pháp 'Biên Địa', tức cậy vào Pháp Hộ Niệm lúc cuối, vì sao vậy? Vì thật sự để có Tín Nguyện tâm chân thật đầy đủ mà cứ để 'tự nhiên', không ra sức gầy dựng, hay không nương dựa vào Kinh giáo Bổn Nguyện, thì thật sự quá hiếm hoi, chỉ thấy ở bậc ngu phu ngu phụ không biết chữ thời trước, hay bậc đại trí giả xuất thế gì đó, chứ còn dạng lưng chừng nữa nọ nữa kia như chúng ta đây thì phải nói là hiếm có khó tìm lắm luôn. Bởi thế chúng ta phải chọn cách nào vừa phù hợp căn cơ vừa có khả năng thành tựu cao mà thâm nhập vậy.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 17. Tuyền Trì Công Đức
Ngài Hoàng Niệm Tổ