Nhữ đẳng quảng thực đức bổn, vật phạm đạo cấm, nhẫn nhục, tinh tấn, từ tâm chuyên nhất, trai giới thanh tịnh, nhất nhật nhất dạ, thắng tại Vô Lượng Thọ quốc vi thiện bách tuế. Sở dĩ giả hà? Bỉ Phật quốc độ, giai tích đức chúng thiện, vô hào phát chi ác. Ư thử tu thiện, thập nhật thập dạ, thắng ư tha phương chư Phật quốc trung, vi thiện thiên tuế. Sở dĩ giả hà? Tha phương Phật quốc, phước đức tự nhiên, vô tạo ác chi địa. Duy thử thế gian, thiện thiểu ác đa, ẩm khổ thực độc, vị thường ninh tức.
Các ông rộng trồng cội đức, đừng phạm đạo cấm, nhẫn nhục, tinh tấn, từ tâm, chuyên nhất, trai giới thanh tịnh trong một ngày một đêm thì hơn cả làm việc thiện suốt trăm năm nơi cõi Vô Lượng Thọ Phật. Vì cớ sao vậy? Cõi nước Phật ấy đều là do các đức, các sự lành tích tụ, không có mảy may điều ác nào. Ở cõi [Sa Bà] này, tu thập thiện trong mười ngày mười đêm hơn hẳn làm việc thiện suốt một ngàn năm nơi các cõi Phật phương khác. Vì cớ sao vậy? Các cõi Phật phương khác phước đức tự nhiên, không có chỗ để tạo ác. Chỉ có thế gian này thiện ít, ác nhiều, uống khổ, ăn độc, chưa hề yên nghỉ.
Giải:
“Quảng thực đức bổn” (Rộng trồng cội đức): Theo Hội Sớ, chữ “đức bổn” có hai nghĩa:
1. Lục Độ là gốc của hết thảy công đức nên gọi là “đức bổn”.
2. Tuyển trạch bổn nguyện của Phật Di Ðà gộp thành quả đức sáu chữ hồng danh, đầy đủ vạn đức; đấy chính là gốc của mọi đức nên gọi là “đức bổn”.
“Thực” (植) là vun bồi, bồi dưỡng. Ngài Vọng Tây giảng “đạo cấm” là: “Vì Phật đạo cấm ngăn các ác nên gọi là đạo cấm”. Bởi thế, “bất phạm đạo cấm” chính là Giới Độ trong Lục Độ. “Nhẫn nhục” là Nhẫn Độ. “Tinh tấn” là Tấn Độ.
Chữ “trai giới” được ngài Vọng Tây giảng là: “Trai giới là Bát [Quan] Trai Giới nên mới bảo là một ngày một đêm v.v…”
“Thắng tại Vô Lượng Thọ quốc vi thiện bách tuế” (Hơn cả làm lành suốt trăm năm nơi cõi Vô Lượng Thọ Phật) là như trong pháp hội Văn Thù Sư Lợi Thọ Ký của kinh Bảo Tích có nói: “Nhược hữu chúng sanh ư bỉ Phật độ, ức bách thiên tuế, tu chư phạm hạnh, bất như ư thử Sa Bà thế giới, nhất đàn chỉ khoảnh, ư chư chúng sanh khởi từ bi tâm, sở hoạch công đức, thượng đa ư bỉ. Hà huống năng ư nhất nhật, nhất dạ, trụ thanh tịnh tâm” (Nếu có chúng sanh ở trong cõi Phật ấy tu các phạm hạnh suốt cả ức trăm ngàn năm vẫn chẳng bằng ở trong thế giới Sa Bà này, chỉ trong khoảng thời gian khảy ngón tay khởi tâm từ bi đối với chúng sanh. Công đức người ấy đạt được còn nhiều hơn thế nữa. Huống hồ là trong một ngày một đêm trụ trong tâm thanh tịnh).
Kinh Tư Ích cũng dạy: “Nhược nhân ư tịnh quốc, trì giới mãn nhất kiếp, thử độ tu du gian, hành Từ vi tối thắng” (Như người ở cõi thanh tịnh trì giới suốt một kiếp; người ở cõi này thực hành lòng Từ trong khoảnh khắc vẫn là tối thắng).
Kinh còn dạy: “Ngã kiến Hỷ Lạc quốc, cập kiến An Lạc độ, thử trung vô khổ não, diệc vô khổ não danh. Ư bỉ tác công đức, vị túc dĩ vi kỳ! Ư thử phiền não xứ, năng nhẫn bất khả sự, diệc giáo tha thử pháp, kỳ phước vi tối thắng” (Ta thấy trong những cõi Hỷ Lạc và cõi An Lạc không có khổ não, cũng không có danh từ khổ não. Trong những cõi ấy mà làm các công đức thì chẳng đáng kể là lạ. Ở chốn phiền não này mà nhẫn được sự chẳng thể nhẫn, lại còn dạy người khác pháp này thì phước ấy mới là tối thắng).
Kinh Thiện Sanh cũng nói: “Di Lặc xuất thời, bách niên thọ giới, bất như ngã độ nhất nhất dạ, hà dĩ cố? Ngã thời chúng sanh cụ ngũ chỉ cố. Thiện nam tử! Thị bát trai giới tức thị trang nghiêm Vô Thượng Bồ Đề chi lộ dã” (Lúc Di Lặc Phật xuất thế, thọ giới suốt một trăm năm cũng chẳng bằng [thọ giới] một ngày một đêm trong cõi ta. Vì sao vậy? Trong thời của ta, chúng sanh có đủ cả năm thứ nhơ bẩn. Này thiện nam tử! Bát Trai Giới này chính là con đường dẫn tới trang nghiêm Vô Thượng Bồ Ðề).
Tôi trích dẫn nhiều đoạn kinh như trên nhằm chứng minh rằng trong cõi này, ngay trong khoảng “ẩm khổ, thực độc, vị thường ninh tức” (uống khổ, ăn độc, chưa từng yên nghỉ) này mà hành nhân lại có thể trai giới thanh tịnh, nhẫn nhục, tinh tấn thì công đức của người ấy vượt xa những người khác trong các cõi Phật phương khác. Trong cõi này, tu hành “nhất nhật nhất dạ, thắng tại Vô Lượng Thọ quốc vi thiện bách tuế… thập nhật, thập dạ, thắng ư tha phương chư Phật quốc trung, vi thiện thiên tuế” (một ngày một đêm hơn cả làm lành suốt trăm năm trong cõi Vô Lượng Thọ Phật… trong mười ngày mười đêm hơn hẳn làm việc thiện suốt ngàn năm nơi các cõi Phật phương khác). Ngài Vọng Tây bảo “ẩm khổ, thực độc” là “uống nước bát khổ, lại ăn ba độc vị”. “Ninh” (寜) là yên ổn, “tức” (息) là thôi dứt.
Trong tác phẩm Vô Lượng Thọ Kinh Sao, ngài Vọng Tây viết:
“Hỏi: Nếu tu hành tại uế độ là thù thắng thì cứ tu trong cõi này, sao lại nguyện sanh về Tịnh Ðộ?
Ðáp: Như sách Yếu Tập viết: ‘Kinh này chỉ nói về sự tu hành khó hay dễ, chứ chẳng giảng về thiện căn là thù thắng hay hèn kém. Ví như kẻ nghèo hèn thí được một tiền tuy đáng khen là hay, nhưng chẳng bao biện được các việc. Kẻ phú quý bỏ ra ngàn vàng tuy chẳng đáng gọi là hay, nhưng lại có thể hoàn tất muôn sự. Việc tu hành trong hai cõi cũng giống như thế’. Nếu muốn mau chóng hoàn thành các việc thành Phật, lợi sanh thì phải chuyên cầu Tịnh Ðộ, lẽ nào lưu luyến uế độ, chẳng thể thành tựu nổi Phật đạo”.
Lại nữa, theo ngài Cảnh Hưng, ở cõi này tu trong một ngày đêm hơn hẳn làm lành cả trăm năm nơi Tây Phương là vì “ở đây tu khó thành”. Ý nói: Trong cõi này, tấn tu rất khó; do khó làm nổi nên coi là quý. Còn như ở cõi kia thì chóng đắc Vô Thượng Bồ Ðề do “trong cõi kia, không lúc nào chẳng tu; còn cõi này lúc tu thiện lại ít nên [nói như vậy] chẳng mâu thuẫn nhau”. Xét ra, thuyết của ngài Cảnh Hưng càng thù thắng hơn nữa.
Ảnh: Một khóa tu Phật Thất chùa Hoằng Pháp
Đoạn: Kinh còn dạy: “Ngã kiến Hỷ Lạc quốc, cập kiến An Lạc độ, thử trung vô khổ não, diệc vô khổ não danh. Ư bỉ tác công đức, vị túc dĩ vi kỳ! Ư thử phiền não xứ, năng nhẫn bất khả sự, diệc giáo tha thử pháp, kỳ phước vi tối thắng” (Ta thấy trong những cõi Hỷ Lạc và cõi An Lạc không có khổ não, cũng không có danh từ khổ não. Trong những cõi ấy mà làm các công đức thì chẳng đáng kể là lạ. Ở chốn phiền não này mà nhẫn được sự chẳng thể nhẫn, lại còn dạy người khác pháp này thì phước ấy mới là tối thắng).
Rõ ràng, cả trong đời và đạo, cái gì khó, hiếm mới quý, càng có giá trị. Ví như, cõi này vàng, bạc, kim cương... là quý, vì quá ít, còn trên cõi kia, dùng để làm đất đại địa thì còn gì là quý nữa. Trong đạo, "nhẫn được sự khó thể nhẫn", "làm được sự khó làm", "[gầy dựng] công phu được những nơi khó gầy dựng"... thì chắc chắn sự thành tựu sẽ nhanh chóng, cao sâu hơn nhiều.
Thế nhưng, vì sao Phật lại luôn khuyên dạy chúng sanh hãy dũng mãnh phát tâm tu đạo để mau về cõi ấy, sớm được lìa khổ được vui? Vì như Ngài Cảnh Hưng nói, do cõi này tấn tu rất khó, nên hiếm có người thành tựu [tại đây]. Thế rồi số đông còn lại [chẳng thành tựu nổi] sẽ đi dâu về đâu đây? Thế nên, thôi, chậm mà chắc, một đời này thôi, rồi về cõi ấy cho sớm, tự đạt Bất thoái chuyển, thọ mạng vô lượng, tha hồ mà tu tập, hành đạo. Đây là chỉ luận nói về mặt thời gian thôi, còn sự thọ dụng, phương tiện, sự sướng khổ, công đức phước báu nhân duyên... giữa hai cõi thì thôi khỏi phải bàn nữa!
Dù sao, qua đoạn Kinh văn này, chúng ta cũng có thể lãnh hội được rằng, thời gian [được hành trì, tu tập] ở giữa cái cõi ô trược này nó có giá trị biết bao, thế nên chúng ta phải thật sự biết trân quý, tranh thủ [dành] thời gian ra mà để tu tập cầu giải thoát, tìm cách tiết chế thời gian dành cho những việc [đời] khác lại. Ngài Pháp Nhiên có nói rằng: "Người lười biếng niệm Phật là người đánh mất đi vô lượng châu báu". Hãy tận dụng thời gian có thể của mình [và trợ đạo cho người] để biến thành vô lượng châu báu [công đức] không thể nghĩ bàn.
Phật thuyết rằng: "Chẳng thể dùng chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi ấy". Pháp môn dĩ nhiên là thật vi diệu, thù thắng rồi, nhưng nếu chúng ta chẳng tận tâm tận sức hành trì, một lòng kiên định [tín nguyện] thì đạo nghiệp đời này làm sao cảm ứng đạo giao với Đại Nguyện của Phật [mà thành tựu] được đây. Có "thành" mới có "cảm" được, chẳng thể nói suông!
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 37. Như Bần Đắc Bảo
Ngài Hoàng Niệm Tổ