[Đều] có thể liễu sanh thoát tử, giã biệt tam giới ngay trong đời này
Pháp môn Tịnh Độ không gì lớn lao vượt ra ngoài nó được. Hết thảy chư Phật và pháp Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của hết thảy chư Phật đều từ đây mà ra. Hết thảy Bồ Tát và đạo thượng cầu hạ hóa xứng tánh Bồ Tát đang tu đều do đây mà vào. Ấy chính là “không gì chẳng từ pháp giới này lưu xuất; không gì chẳng quy hoàn pháp giới này”. Như Lai vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện trong đời. Dẫu tùy cơ lập giáo đủ mọi thứ khác biệt, nhưng tìm lấy một pháp dù thánh hay phàm, thượng trung hạ căn, cho đến phường nghịch ác đều có thể liễu sanh thoát tử ngay trong đời này, giã biệt tam giới, cao đăng chín phẩm thì chỉ có mỗi một mình pháp Tịnh Độ là được như vậy mà thôi.
[Nên] dốc kiệt lòng thành
Ôi! Như Lai đại từ phổ độ chúng sanh, chỉ có một pháp này mới bộc lộ hết bổn hoài. Chúng sanh tu hành mong thoát sanh tử, chỉ do một pháp này chắc chắn được toại nguyện. Pháp môn rộng lớn, lợi ích rộng sâu. Vì vậy, hết thảy Phật tử đều phụng hành. Ngờ đâu, gần đây kẻ ngu phu ngu phụ, phần nhiều dốc kiệt lòng thành quy mạng, còn bậc thông Tông thông Giáo lại coi thường, bỏ qua, tợ hồ chẳng nghe biết đến, là vì lẽ nào? Do kẻ nghiên cứu Giáo dùng giáo lý thông thường để luận Đoạn - Chứng, chẳng tin có chuyện đới nghiệp vãng sanh, thường khư khư ở trong sanh tử độ sanh, chẳng nguyện làm người được mau thoát sanh tử! Chẳng biết chén bát chưa nung, gặp mưa liền rã. Phiền Hoặc chưa đoạn, sanh sang kiếp khác liền mê; tự lợi còn khó, huống gì lợi tha! Ấy là vì chẳng lượng đức mình, là hạng phàm phu sát đất vừa có chút huệ tánh bèn tưởng mình có bản lãnh của bậc Pháp Thân đại sĩ, đến nỗi một phen lầm lạc, vĩnh viễn lầm lạc! Người tham Thiền chuyên chú tham cứu để minh tâm kiến tánh, chẳng biết kẻ căn cơ hơi kém chẳng thể minh tâm kiến tánh rất nhiều. Dẫu cho đã minh tâm kiến tánh, nhưng Hoặc nghiệp chưa đoạn thì vẫn luân hồi sanh tử y như cũ, chẳng thể thoát khỏi, lại càng nhiều hơn nữa! Ngũ Tổ Giới, Thảo Đường Thanh, Hải Ấn Tín, Chân Như Triết v.v… đều là những bằng chứng xác thực!
Tử sanh là việc lớn
Ôi! Tử sanh cũng lớn lao thay! Há có nên chuyên cậy vào tự lực, không nương vào Phật lực ư? Hay là tự lực quả thật trội hơn Phật lực chăng? Làm người sống trong cõi đời, lớn như sáng lập cơ nghiệp truyền lại cho đời sau, nhỏ như một manh áo, một bữa ăn, không gì chẳng cậy vào sức của mọi người để thành tựu chuyện của chính mình. Đối với đại sự liễu sanh thoát tử, dù có Phật lực vẫn chẳng chịu nương tựa, muốn tỏ rõ bản lãnh phi thường, chỉ e kém xa gã ngu phu. Chí ấy có thể nói là lớn, nhưng tiếc rằng không biết đấy chỉ là nói năng lớn lối!
Thiện Tài Đồng Tử
Chẳng thấy trong kinh Hoa Nghiêm, là [bản kinh] vua cả Tam Tạng, do đức Như Lai khi mới thành Chánh Giác vì bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ đã vượt ngoài các giới, giảng ra Phật pháp thành tựu ngay trong một đời. Thật nghĩa rốt ráo quy tông kết đảnh của đạo thành Phật trong một đời ấy nằm ngay ở chỗ dùng mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, ngõ hầu viên mãn Phật quả. Sở chứng của Thiện Tài đã bằng với Phổ Hiền, bằng với chư Phật, đáng gọi là bậc Đẳng Giác Bồ Tát. Đẳng Giác chỉ kém đức Phật mà vẫn phải hồi hướng vãng sanh, các đại Bồ Tát trong toàn thể Hoa Nghiêm thế giới hải đều vâng lãnh lời dạy này, cùng tu pháp này. Căn tánh những người thông Tông, thông Giáo hiện thời có nhạy bén, chứng nhập có sâu xa hơn những vị Bồ Tát ấy hay chăng? Ngàn kinh vạn luận đâu đâu cũng chỉ quy, vãng thánh tiền hiền người người hướng về. Há có phải những kinh luận ấy chẳng đáng để tuân theo ư? Há các vị thánh hiền ấy đều là ngu phu ngu phụ ư? Tóm gọn một lời: Nghiệp chướng sâu nặng, chưa kham giải thoát! Bởi thế cho nên “dùng thường ngày chẳng biết, quen làm mà chẳng xem xét” vậy!
[Đôi nét] Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm
Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm: Trong phẩm cuối cùng là phẩm Nhập Pháp Giới của kinh Hoa Nghiêm bản tám mươi quyển, Thiện Tài tham học với năm mươi ba vị tri thức viên mãn, đến chỗ ngài Phổ Hiền, được Phổ Hiền khai thị, và nương sức oai thần, liền chứng Đẳng Giác. Phổ Hiền bèn nói ra bài kệ, xưng tán công đức mầu nhiệm thù thắng của Như Lai. Do kinh văn [truyền sang Trung Hoa] chưa hết, nên pháp hội chưa xong mà kinh đã chấm dứt. Thanh Lương quốc sư soạn riêng Sớ Sao để hoằng dương lớn lao đạo này. Đến niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường Đức Tông, quốc vương Ô Trà ở Nam Ấn Độ mới cống nạp toàn bản Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm bằng tiếng Phạn, dịch thành bốn mươi quyển. Ba mươi chín quyển đầu chính là phẩm Nhập Pháp Giới trong bộ Bát Thập Hoa Nghiêm, nhưng văn nghĩa tường tận hơn. Cuốn thứ bốn mươi chính là phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện đang được lưu hành. Khi ấy, ngài Thanh Lương cũng dự vào dịch trường, cực lực tán dương, phụng mạng soạn sớ.
Sớ văn của toàn bộ bốn mươi quyển ở Trung Quốc thất truyền đã lâu. May là trong tạng kinh ở Nhật, vẫn còn bộ sách này. Bắc Kinh Khắc Kinh Xứ chuyên khắc những tác phẩm của cổ đức, [tác phẩm này] chẳng bao lâu nữa sẽ lại được lưu truyền. Quyển kinh này lại được Ngài soạn cuốn Biệt Hành Sớ để cho những người thích giản lược và tu Tịnh Độ nghiên cứu đến cùng tận. Học trò Ngài là Khuê Phong viết lời sao, đã được lưu thông trong nước lẫn ngoài nước. Nhưng do văn từ phong phú, nghĩa lý quá nhiều, chẳng tiện cho kẻ sơ cơ.
Cư sĩ Phạm Cổ Nông do thấy thế gian đã ghép ba kinh Tịnh Độ và một phẩm Hạnh Nguyện thành Tịnh Độ Tứ Kinh, chú giải của ba kinh rất nhiều, chẳng trở ngại tùy theo căn cơ mà chọn đọc, còn kinh này chỉ có mỗi bộ Sớ Sao, tuy phát huy đến tận cùng, nhưng kẻ sơ cơ thường hay bị mờ mịt. Do vậy, đối với bộ Sớ Sao, ông Phạm trích lấy những nghĩa trọng yếu, cho khắc bản lưu thông. Văn tuy giản lược, nhưng nghĩa vẫn đầy đủ. Có thể nói là xét căn cơ, lập giáo pháp thích hợp, có ích không ít cho pháp môn! Nếu người học trước hết đọc “hiệt bản” (bản trích yếu) này, rồi mới đọc toàn văn thì chẳng những thấu hiểu tấm lòng hoằng truyền, tán dương của ngài Thanh Lương mà còn thấu hiểu được tấm lòng khuyến phát của đức Phổ Hiền, tâm xuất thế của Như Lai.
[Hãy thương] chớ phụ linh tánh chính mình
Dám thỉnh những vị thông Tông thông Giáo cùng thuận theo các vị Bồ Tát trong Hoa Tạng hải hội và những kẻ ngu phu ngu phụ nhất trí tiến lên, cùng sanh Tây Phương để khỏi phụ ân Phật dạy dỗ, chẳng phụ linh tánh của chính mình!
Ảnh: Hội Hoa Nghiêm - Tổ Nguyên Uẩn họa
"Sanh tử là việc lớn". Hằng ngày chúng ta có xem đó là việc lớn chăng? Dĩ nhiên rồi, hàng ngày chúng ta tu tập hành trì cầu vãng sanh, liễu thoát sanh tử. Đủ chưa quý vị? Điều quan trọng là chúng ta phải duy trì cái tâm đạo cầu giải thoát này cả đời mới được, chẳng được biếng trễ, lui sụt. Việc này nói thì dễ nhưng cũng chẳng giản đơn chút nào, cần có sự khích lệ động viên nhau cùng tấn tu mới được, căn tánh thời nay cần phải như vậy, chẳng thể 'một mình một ngựa', cần có đại chúng, đồng tu hổ trợ, thúc đẩy nhau để cùng "nhất trí tiến lên, cùng sanh Tây Phương để khỏi phụ ân Phật dạy dỗ, chẳng phụ linh tánh của chính mình".
Chúng ta lại cùng bàn một chút về 'đoạn cuối con đường' [chẳng biết lúc nào], tức vấn đề lâm chung. Lâm chung người bệnh cần điều gì? Giữ được chánh niệm [Tín Nguyện, Niệm Phật] đợi Phật đến tiếp dẫn. Còn cần cái gì khác không? Dĩ nhiên là không, chẳng cần gì khác cả, Phật đến rước đi là viên mãn rồi. Vậy bình thời chúng ta tu hành gầy dựng cái gì đây? Nếu đúng là những cái lúc lâm chung cần thì thật tuyệt, chắc chắn thành tựu. Bình thời đã gầy dựng 'thành khuôn thành phép' ắt lâm chung chẳng khác được là vậy. Thế nhưng, lại có [rất] nhiều người muốn 'gầy dựng' những thứ khác nữa [công phu đạt này kia, ...] hoặc cầu lâm chung được hộ niệm, có đại chúng bên cạnh... Lâm chung chúng ta đâu cần những thứ đó, chúng ta thật sự chỉ cần Phật đến tiếp dẫn thôi. Lâm chung niệm Phật, tin, cầu [nguyện] Phật đến tiếp dẫn, nhưng bình thời niệm Phật lại chẳng tin nỗi [Phật đến tiếp dẫn], thế nên mới cầu viện thêm những thứ khác [để trợ duyên]. Những khi chúng ta phải đi xa, hay ngoài đường ngoài xá [nếu vô thường bất chợt đến] chắc chắn chúng ta chẳng có đại chúng, chẳng được trợ niệm, thế thì sao? Cho nên, một vấn đề rất quan trọng [đặc biệt đối với những vị chuyên tâm về Pháp Hộ Niệm] đó là, niềm tin phải đặt đúng chỗ, và hoàn toàn. Chúng ta niệm Phật, tin Phật đến tiếp dẫn chúng ta [trong đời này], chấm hết. Còn lâm chung thế nào, hoàn toàn tùy duyên Phật sắp xếp. Có đại chúng cũng được, một mình cũng tốt, được hộ niệm cũng vâng, một mình ra đi cũng đặng. Chúng ta phải nói thế để thấy rằng, Pháp Hộ Niệm rất cần thiết [đối với phần đông Tín Nguyện chưa đầy đủ], nhưng tiến thêm một bước nữa, với những người chuyên tu Tịnh nghiệp, gầy dựng Tín Nguyện lúc bình thời mới là cấp thiết, đó mới chính là đang Thực tập [để được] Hộ Niệm cho mình lúc lâm chung. Một lòng nhớ Phật niệm Phật, tin Phật [Phật, Phật hiệu, Phật nguyện, Phật lực], thật nguyện, cầu sanh Cực Lạc, thì lâm chung mới chắc có [cảm] Phật. Có cảm Phật ắt sẽ có tất cả [được sắp đặt, báo trước, hộ niệm, trợ duyên, điều giải oan gia, tỉnh táo, giữ chánh niệm...], tùy nhân duyên Phật sắp, và dĩ nhiên chắc chắn được Phật rước. Còn chẳng cảm Phật, thì một mình [hay cùng đại chúng] tự chiến đấu lấy với cận tử nghiệp. Đa phần các ca hộ niệm đều bị như vậy, lý do là vì đâu? Như trên đã nói, bình thời [dẫu họ rất tinh tấn, tu hành nhiều năm, tha thiết nguyện sanh] nhưng chẳng hành pháp khế lý khế cơ với chính mình mà ra cả. Thế nên, Pháp Hộ Niệm, rất tốt, rất cần xiển dương phát triển, nhưng, hoàn toàn tùy duyên, đừng nên cố chấp 'rất cần khi lâm chung' hay 'phải có lúc lâm chung', sẽ bị trở ngại lớn lúc đó.
Lời tựa cuốn Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm Sớ Sao Hiệt
Đại sư Ấn Quang