Chánh kinh:
Thế nhân cộng tranh bất cấp chi vụ, ư thử kịch ác cực khổ chi trung, cần thân doanh vụ, dĩ tự cấp tế, tôn ty, bần phú, thiếu trưởng, nam nữ, lũy niệm tích lự, vị tâm tẩu sử.
Người đời cùng tranh giành những chuyện không cần gấp. Trong chỗ khổ sở, ác độc cùng cực, đem thân siêng gắng lo toan để tự châu cấp. Sang hèn, nghèo giàu, nhỏ lớn, nam nữ, lo lắng chất chồng, bị cái tâm sai khiến.
Giải:
Trong đoạn kinh này, trước hết đức Phật chỉ rõ: Toàn bộ chúng sanh cõi này đều bị phiền não, khuyên lơn chúng sanh nên nhàm lìa. “Thế nhân cộng tranh bất cấp chi vụ” (Người đời cùng nhau đua chen những chuyện không cần gấp): Người đời cùng cạnh tranh với nhau những chuyện thế tục không quan trọng, khẩn yếu, chẳng trọng đại sự cấp bách nơi bản thân, chẳng biết vô thường nhanh chóng, sanh tử là việc lớn; chỉ tham danh lợi nên sầu khổ muôn bề, chẳng biết lúc nào thoát khỏi.
Sách Hội Sớ nói: “Phàm vật thì có gốc, ngọn; việc có gấp, hoãn. Chỉ nên coi một đại sự là nhiệm vụ cấp bách trước hết. Ví như người vào trong tòa thành lớn, trước tiên phải kiếm chỗ ở yên, rồi mới ra tay làm lụng. Ðến khi chiều tà tăm tối, còn có chỗ nghỉ đêm. ‘Trước hết kiếm chỗ ở yên’ chính là tu Tịnh Ðộ; ‘đến khi chiều tà tăm tối’ chính là đại hạn xảy đến (chết). ‘Có chỗ nghỉ đêm’ là sanh trong hoa sen, chẳng lạc vào nẻo ác. Vậy mà người ta cứ lơ là đối với việc gấp như lửa cháy, hối hả lo liệu việc chẳng gấp rút gì. Khi mạng người sắp hết, dẫu hối ích chi?”
“Kịch ác cực khổ”: “Kịch” (劇) là rất, hết mức. Phẩm Trược Thế Ác Khổ có câu: “Duy thử ngũ ác thế gian, tối vi cực khổ” (Chỉ có mỗi thế gian có năm sự ác này là khổ sở nhất) và: “Như thị ngũ ác, ngũ thống, ngũ thiêu, thí như đại hỏa, phần thiêu nhân thân” (Năm sự ác, năm sự đau đớn, năm sự đốt cháy như thế ví như lửa lớn thiêu đốt thân người). Ác là nhân, khổ là quả. Giết chóc, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu là những điều rất ác. Hễ tạo ác ắt phải chịu quả ác nên những điều ấy được gọi là “ngũ thống, ngũ thiêu” như lửa đốt thân nên bảo là “cực khổ” (khổ sở cùng cực).
Sách Hội Sớ còn nói: “Hừng hực nung người đời như đống lửa nên bảo là kịch ác cực khổ”.
Sách Hội Sớ giảng câu “cần thân doanh vụ, dĩ tự cấp tế” (vất vả làm lụng, lo toan để tự nuôi thân) như sau:
“Doanh (營) là lo toan, đổ sức vào việc gì gọi là Vụ (務). Thân siêng năng, vất vả làm những điều ấy gọi là ‘cần thân’ (勤身). Cấp (給) là làm cho đủ; khiến cho đồ vật được đầy đủ, dư dả là Cấp. Cấp còn có nghĩa là cung cấp. Tế (濟) là vượt qua”. Do đó, câu “cần thân doanh vụ, dĩ tự cấp tế” có nghĩa là: Nhọc nhằn, vất vả cái thân, toan tính, làm lụng để mình được đầy đủ, no ấm cho qua khỏi cái kiếp này. Như Hội Sớ viết: “Sĩ nông công thương, vì chu cấp cho bản thân, nên nói là ‘dĩ tự cấp tế’. Cấp là cung cấp. Tế là lo liệu đầy đủ”.
Câu “tôn, ty, bần, phú, thiếu, trưởng, nam, nữ” (sang, hèn, nghèo, giàu, trẻ, già, trai, gái) chỉ hết thảy các loại người trong đời. Người có địa vị cao quý trong đời là “tôn” (尊), địa vị thấp là “ty” (卑). Lắm tiền của là “phú” (富), ít tiền của là “bần” (貧). Nhỏ tuổi là “thiếu” (少), lớn tuổi là “trưởng” (長). Trai, trai, gái, gái, bao hạng sai khác, nhưng chẳng ai lại không cùng ôm tấm lòng ngu si, tham dục, lao tâm khổ tứ, lo nghĩ chất chồng, bôn ba, nhọc nhằn chẳng lúc nào yên. Bởi thế, Phật mới bảo: “Lũy niệm tích lự, vị tâm tẩu sử” (Lo toan chồng chất, bị cái tâm sai khiến).
Ngài Nghĩa Tịch bảo: “Lo mãi chuyện đã qua, lo hoài chuyện chưa tới nên bảo là ‘lũy niệm tích lự’. Thường bị dục tâm lôi kéo khiến chộn rộn, bôn ba nên bảo là ‘vị tâm tẩu sử’ (bị cái tâm sai khiến)”. Ý Ngài nói: Nghĩ nhớ chuyện quá khứ thì là “lũy niệm”, lo lắng cho tương lai là “tích lự”. Vì thế, tâm niệm ấy chẳng lúc nào an vì hễ tâm có điều gì mong muốn thì thân phải nhọc nhằn theo. Ví dụ như: Lòng muốn sắm sửa vật mình yêu thích thì nào ngại bưng bê, khuân vác bề bộn, bôn ba sửa soạn; cho nên kinh mới nói là: “Vị tâm tẩu sử” (Bị cái tâm sai khiến); chỉ vì tâm ham muốn mà phải chạy vạy.
Ngài Gia Tường dùng câu “tâm chất chứa tài sản chẳng buông bỏ” để giảng câu “lũy niệm tích lự”, dùng câu “siêng cầu chẳng ngơi” để giảng câu “vị tâm tẩu sử”. Ý Ngài nói: Những điều canh cánh trong tâm niệm chỉ toàn là tài vật, cho nên “lũy niệm tích lự”. Lăm lăm mong cho có nên thân tâm chẳng an, đấy gọi là “vị tâm tẩu sử” (bị cái tâm sai khiến).
Ngài Cảnh Hưng lại giảng: “Vị tâm tẩu sử là như con nai khát nước chạy đuổi theo bóng nắng gợn, kẻ mắt kéo màng thấy hoa đốm lăng xăng trên không, đều do cái tâm thấm đẫm nước ái, chẳng rõ hoa đốm là bệnh nên cứ đuổi quàng theo”. Bóng nắng gợn (dương diệm) chính huyễn ảnh xuất hiện trong sa mạc, nhìn xa tưởng là chỗ có nước. Những con nai, con ngựa bị khát, tâm thèm nước thiết tha nên cứ đuổi theo tìm uống, nhưng chỉ phí công. Lại như người mắt bệnh kéo màng, ngỡ trên hư không có những đốm sáng bay lẩn vẩn (hoa đốm) toan chụp bắt, chẳng biết vốn chẳng có hoa đốm, nên mới bảo là “vị tâm tẩu sử”. “Tẩu sử” nói thông tục là bôn ba, nhọc nhằn.
Ảnh: "Bận rộn"
Đoạn: Sách Hội Sớ giảng câu “cần thân doanh vụ, dĩ tự cấp tế” (vất vả làm lụng, lo toan để tự nuôi thân) như sau:
“Doanh (營) là lo toan, đổ sức vào việc gì gọi là Vụ (務). Thân siêng năng, vất vả làm những điều ấy gọi là ‘cần thân’ (勤身). Cấp (給) là làm cho đủ; khiến cho đồ vật được đầy đủ, dư dả là Cấp. Cấp còn có nghĩa là cung cấp. Tế (濟) là vượt qua”. Do đó, câu “cần thân doanh vụ, dĩ tự cấp tế” có nghĩa là: Nhọc nhằn, vất vả cái thân, toan tính, làm lụng để mình được đầy đủ, no ấm cho qua khỏi cái kiếp này. Như Hội Sớ viết: “Sĩ nông công thương, vì chu cấp cho bản thân, nên nói là ‘dĩ tự cấp tế’. Cấp là cung cấp. Tế là lo liệu đầy đủ”.
Câu hỏi là, chúng ta tu hành có cần phải làm lụng, lo toan vì kế sinh nhai không? Câu trả lời, dĩ nhiên là phải có rồi, chỉ một bộ phận không nhiều hữu phước, dư phước mới không cần làm lụng vất vả vẫn có cuốc sống đầy đủ, còn lại thì đa phần phải tay làm thì hàm mới nhai. Sống ở cái cõi này nó nhọc nhằn là vậy. Thế nhưng điều quan trọng là phải có sự khác biệt giữa người biết tu đạo và người không biết tu, không thể giống nhau được. Điểm khác biệt thì chắc ai cũng nhận ra rồi, đó là phải sống 'biết đủ', không nên chạy theo danh lợi, vật chất [như người thế gian], mà phải dành thời gian, tâm trí để hướng đạo, cầu giải thoát nữa, đạo - dời phải dung thông.
Quả thật nếu một người 'thật sự tu đạo' thì ban đầu phải như thế, nghĩa là đời đạo phải song hành. Nhưng sau một giai đoạn nào đó [dài ngắn tùy phước phần, nhân duyên] thì thường hạn chế bên 'đời', mà tăng tốc, phát triển đạo nghiệp. Rồi đến giai đoạn nào đó, có thể từ bỏ hẳn chuyện mưu sinh, toàn tâm toàn ý hướng đạo tu hành cầu giải thoát. Đây là lộ trình chân thật, thực tiễn của những 'chân tu'. Bởi sau xuyên suốt cả một quá trình, dù chẳng mong cầu gì, nhưng phước phần cũng tự nhiên 'đủ sài' cho đến cuối con đường này [rồi về với Phật]. Cùng với đó là sự âm thầm gia trì, chở che của Chư Phật Bồ Tát nữa [để giúp chúng sanh thuận tiện trên con đường thành tựu đạo nghiệp]. Cái này coi vậy mà quan trọng lắm đấy, có thể nói là không thể thiếu. [Miễn là chúng sanh thật sự 'vì đạo' thì các Ngài sẽ thật sự 'vì chúng sanh'].
Thật sự mà nói, cùng là hành đạo, giữa một đằng phải kiêm cả 'sinh kế' nữa và một đằng không cần phải mưu sinh nữa, có thể buông xả tâm trí khỏi chuyện 'tiền nong, cơm áo' [nhưng vẫn có thể lo trọn bổn phận của mình với gia đình, người thân], là cả một sự khác biệt không hề nhỏ. Chúng ta không lạm bàn chuyện có thành tựu hay chẳng thành tựu gì ở đây, vì điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng riêng việc hành đạo, việc tiến tu giữa hai đối tượng này có một sự khác biệt lớn [ít nhất là về mặt thời gian, tâm trí, sự khó dễ...].
Cho nên, [sau một thời gian] nếu cảm thấy mình 'cũng đủ' rồi thì thôi, tốt nhất nên 'từ giã' việc 'mưu kế sinh nhai' đi, buông bỏ, đừng có động gì tới việc 'kiếm tiền' nữa, nhất tâm nhất ý cầu đạo giải thoát. Tìm niềm vui trong đạo, đừng có tìm niềm vui 'kiếm tiền' nữa, dẫu cho kiếm được nhiều tiền thì cũng làm được nhiều việc thiện, có ích. Nhưng vô tình chính điều này làm cản trở con đường tiến tu của chúng ta không ít. Chúng ta chỉ cần để ý sẽ thấy rất rõ điều này. Đặt biệt đối với cá vị gọi là 'chân tu' sẽ nhận ra ngay. Chỉ sợ rằng dù cho 'chẳng thiếu', nhưng chúng ta buông xuống không nổi, cái tâm 'thích kiếm thêm' nó sai khiến chúng ta không thể dừng lại, phải tiếp tục gọi là 'đời đạo phải song hành' mới chịu. Thế nên Đức Phật mới nói: "vị tâm tẩu sử" [bị cái tâm nó sai khiến] là vậy. Nên chữ 'biết đủ' coi vậy chứ chẳng dễ dàng, đơn giản chút nào.
Nói vậy thì nếu không nghĩ về chuyện 'tiền nong' thì ai hộ trì Tam Bảo, lấy gì làm các Phật sự này kia đây? Chúng ta đừng lo, nơi nào có Chánh Pháp thường trụ, nơi nào đem lại lợi ích thiết thực cho chúng sanh, ắt nơi đó được Tam Bảo gia hộ, Hộ Pháp gia trì, không cầu cũng tự có đầy đủ, còn viên mãn hơn 'chúng sanh lo' rất nhiều nữa là đằng khác. Chúng ta là những người tu đạo không tin điều này chăng? Cho nên, chúng ta tu đạo cứ lo tu cho tốt đi, thật sự vì sanh tử, vì chúng sanh [khổ nạn kia], mọi thứ còn lại cứ để các Ngài lo. Chúng ta tuyệt không cần màn đến điều này, có bao nhiêu làm bấy nhiêu, không có thì khỏi làm, hoàn toàn để Phật Bồ Tát sắp đặt, quyết định. Như thế mới là đặt biệt [cả đôi việc tự hành, dạy người]. Ở đây là đang nói các bậc thường trụ. Còn người cư sĩ tại gia nếu thật sự 'chưa đủ', còn phải nặng gánh gia đình, thì đương nhiên phải làm việc sinh sống. Thật ra, 'tận hết bổn phận' ấy chính là một pháp tu không thể thiếu của người tu đạo chân chính. Công việc [vốn] của mình không thể đùn đẩy cho người khác gánh vác hộ được. Việc thế gian còn làm chưa tới nơi tới chốn huống hồ chi việc nào khác nữa.
Đoạn Kinh văn và chú giải bên trên còn nhiều trích đoạn, câu từ khác nữa, mà các Ngài đã liễu giải nghĩa ra, rất hay, rất đáng phải học tập, chúng ta đọc kỹ nghiền ngẫm sẽ được nhiều lợi ích thực tiễn.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 33. Khuyến Dụ Sách Tấn
Ngài Hoàng Niệm Tổ