Chánh kinh:
Nhân năng tự độ, chuyển tương chửng tế. Chí tâm cầu nguyện, tích lũy thiện bổn, tuy nhất thế tinh tấn cần khổ, tu du gian nhĩ. Hậu sanh Vô Lượng Thọ quốc, khoái lạc vô cực, vĩnh bạt sanh tử chi bổn, vô phục khổ não chi hoạn. Thọ thiên vạn kiếp, tự tại tùy ý.
Người [ấy đã có thể] tự độ, [lại còn] lần lượt cứu vớt người khác. Chí tâm cầu nguyện, tích lũy cội lành. Tuy một đời tinh tấn, siêng, khổ cũng chỉ như khoảnh khắc mà thôi. Thân sau sanh vào cõi Vô Lượng Thọ, khoái lạc vô cực! Vĩnh viễn nhổ được cái gốc sanh tử, chẳng còn cái nạn khổ não, thọ ngàn vạn kiếp tự tại tùy ý.
Giải:
Ðoạn trên đã giảng rõ sanh tử lưu chuyển ưu khổ chẳng ngớt, khuyên ta phải xuất ly. Ðấy là nhàm chán Sa Bà. Còn đoạn này lại khuyên cầu sanh Tịnh Ðộ, chính là ham cầu Cực Lạc.
Sách Di Ðà Yếu Giải lấy “chán lìa Sa Bà, vui cầu Cực Lạc” làm nguyện, lại lấy “tín nguyện trì danh” làm “cái nhân chân thật của Nhất Thừa”. Bởi đó, ta thấy rằng: Đức Thế Tôn khuyên dụ chính là vì vãng sanh rất thiết yếu.
Câu “nhân năng tự độ” (người đã có thể tự độ) nghĩa là người đã độ được chính cái thân mình. Ðây là lời tiếp nối ý câu “tẩy trừ tâm cấu, biểu lý tương ứng” của đoạn trên. Ðó chính là hạnh tự lợi.
Tiếp đấy, “chuyển tương chửng tế” (lần lượt cứu vớt người khác) là hạnh lợi tha. Ðây chính là điểm thứ hai trong lời khai thị của Phật. “Chửng” (拯) là cứu độ, tức là lần lượt cứu độ những người khác, hay nói cách khác là “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”.
Phát được cái tâm to lớn “tự giác, giác tha” niệm danh hiệu Phật thì mới khế hợp được tông thú của bản kinh này “phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm”.
Ðã phát đại tâm thì phải dùng tâm chí thành “tích lũy thiện bổn” (tích lũy cội lành) để cầu được diệu quả của bổn nguyện. “Thiện bổn” có nghĩa như “thiện căn”. Kinh Thắng Man, quyển thượng dạy: “Thiện bổn, bổn diệc nhân giả. Dục dĩ thử thiện vi Bồ Đề căn, cố danh vi bổn” (Thiện bổn, bổn cũng là nhân. Muốn dùng điều thiện ấy để làm gốc Bồ Ðề nên gọi là Bổn).
Sách Hội Sớ lại viết: “Cầu nguyện là cái tâm nguyện được vãng sanh. ‘Thiện bổn’ là tên chung của các điều lành, mà cũng chỉ riêng việc xưng danh niệm Phật”, bởi lẽ, xưng danh niệm Phật chính là cội lành của việc vãng sanh Cực Lạc. “Tích lũy thiện bổn” chính là một dạ chuyên niệm.
Tiếp đó, đức Thích Tôn nhắc lại sự thù thắng nhiệm mầu của cõi Cực Lạc, khuyến dụ vãng sanh. “Tu du” (khoảnh khắc) là một phần bốn mươi tám của một phút, tức là một khoảng thời gian rất nhỏ. Phật khuyên người đời: Một đời siêng năng vất vả cũng chỉ như trong khoảnh khắc. Thân sau sanh về Cực Lạc thì cái vui ấy không cùng tận. Sự vui mầu nhiệm vô biên vượt trỗi mười phương, chẳng hề chấm dứt nên bảo là “vô cực”.
Trong tác phẩm Khuyến Tâm Vãng Sanh Luận của sa-môn Nhẫn Không thuộc tông Thiên Thai có câu: “Một trận vinh hoa đời này kết thành khổ quả ức kiếp. Ðời này siêng tu trong khoảnh khắc, nở nhụy giác tam minh”. Ấy là nhân nhỏ quả to, thọ báo dài lâu. Hễ được vãng sanh thì như kinh dạy: “Vĩnh bạt sanh tử chi bổn, vô phục khổ não chi hoạn, thọ thiên vạn kiếp, tự tại tùy ý” (Vĩnh viễn nhổ dứt cái gốc sanh tử, chẳng còn cái nạn khổ não, thọ ngàn vạn kiếp tự tại tùy ý).
Ngài Linh Chi đã giảng về cõi Cực Lạc như sau:
“Tịnh độ Di Ðà cảnh giới lạ lùng tuyệt diệu. Thánh hiền cùng hội, nghe pháp ngộ đạo, thọ mạng vĩnh cửu, bất thoái Bồ Ðề, chẳng còn có nỗi vui nào khác hơn được niềm vui này. Chỉ không có cái khổ vô thường đã đáng vui rồi, huống là còn có các sự thù thắng, những sự vui ấy chẳng cùng tận!”. Bởi thế, Phật mới khuyên chúng sanh cầu sanh về đó.
Ảnh minh họa: Thế giới Cực Lạc
Câu văn: Sách Di Ðà Yếu Giải lấy “chán lìa Sa Bà, vui cầu Cực Lạc” làm nguyện, lại lấy “tín nguyện trì danh” làm “cái nhân chân thật của Nhất Thừa”. Bởi đó, ta thấy rằng: Đức Thế Tôn khuyên dụ chính là vì vãng sanh rất thiết yếu.
Lấy “tín nguyện trì danh” làm "cái nhân chân thật", có nhân mới có quả được, không gieo nhân thì không bao giờ có quả được. Hơn nữa, cái nhân này là cái nhân chân thật, để sanh cái quả chân thật. Thế nào là cái quả chân thật? Một, là chắc chắn sẽ thành tựu [nếu có đầy đủ nhân chân thật kia] ở ngay một đời hiện tại này, bởi nếu hẹn đời sau thì không còn là chân thật nữa, bởi sau khi thọ sanh sẽ chẳng thể đoán định được nữa, chẳng biết sẽ đi đâu về đâu. Hai, có được lợi ích chân thật [không hư giả, phải chắc chắn], đó chính là sẽ được vãng sanh chắc chắn viên thành Phật quả [không thọ sanh tử, không thoái chuyển nữa].
Đoạn tiếp theo: Câu “nhân năng tự độ” (người đã có thể tự độ) nghĩa là người đã độ được chính cái thân mình. Ðây là lời tiếp nối ý câu “tẩy trừ tâm cấu, biểu lý tương ứng” của đoạn trên. Ðó chính là hạnh tự lợi. Tiếp đấy, “chuyển tương chửng tế” (lần lượt cứu vớt người khác) là hạnh lợi tha. Ðây chính là điểm thứ hai trong lời khai thị của Phật. “Chửng” (拯) là cứu độ, tức là lần lượt cứu độ những người khác, hay nói cách khác là “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”.
Bổn Nguyện được phát ra vì hết thảy chúng sanh, chúng ta nương nhờ Bổn Nguyện này mà tin tưởng, hành trì được có cơ hội thành tựu. Cho nên [một khi] chúng ta được thoát khổ thì cũng phải triển chuyển không dứt, tiếp tục dìu dắt, cứu vớt những chúng sanh khác cùng thoát khổ. Ấy chính là Bồ Đề tâm, tâm tự lợi lợi tha, không thể thiếu. Cùng với đó, trên bước đường hành đạo, chúng ta cũng phải phát khởi cái tâm này, ngõ hầu việc mình việc người đều dễ dàng thành tựu hơn, cao sâu hơn. Dĩ nhiên, chỉ việc Tín Nguyện cầu sanh về cõi ấy để thành tựu quả vị Phật để cứu độ vô lượng vô biên chúng sanh thoát khổ đã là tâm đại Bồ Đề rồi [vô thượng Bồ Đề], một khi tâm này phát ra [chân thật] thì ắt không thể thiếu tâm tự lợi lợi tha kia. Chúng ta muốn vãng sanh thì bắt buộc phải có cái tâm này [một cách chân thật, đầy đủ], bởi để thành tựu đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác [vãng sanh thành Phật] ắt phải dùng cái tâm "Vô Thượng Bồ Đề" ấy thì mới tương ưng. Chứ còn chỉ phát khởi những cái tâm tự lợi lợi tha nhỏ lẻ, cục bộ, thế gian... thôi mà thiếu cái đại tâm kia thì cũng không ăn thua, chưa thể đủ, chưa thể tương xứng được. Coi vậy chứ đây là việc rất nhiều người mắc phải. Sanh tử đại sự, chúng ta cần phải lưu tâm!
Câu văn tiếp theo: Sách Hội Sớ lại viết: “Cầu nguyện là cái tâm nguyện được vãng sanh. ‘Thiện bổn’ là tên chung của các điều lành, mà cũng chỉ riêng việc xưng danh niệm Phật”, bởi lẽ, xưng danh niệm Phật chính là cội lành của việc vãng sanh Cực Lạc. “Tích lũy thiện bổn” chính là một dạ chuyên niệm.
Các Ngài dù ở nơi đâu thời nào, luôn nhắc nhở chúng ta điều này: "xưng danh niệm Phật" chính là cội lành, điều lành bậc nhất, vô thượng công đức... Muốn xuất thế gian, đi làm Phật thì chắc chắc không thể thiếu điều này, tích lũy "vô thượng công đức" [để thành tựu Vô Thượng Đạo], chứ còn dùng những hữu thượng công đức không thì cũng tốt đấy nhưng làm sao đủ được, duy chỉ có niệm Phật là vô thượng công đức mà thôi, dù chỉ niệm một câu cũng là một "Vô Thượng công đức" [vượt trỗi những công đức khác]. Thế nên, các Ngài nói, “tích lũy thiện bổn” chính là một dạ chuyên niệm. Vì vậy, tông chỉ tông yếu của Pháp môn "Tín Nguyện, niệm Phật" cầu sanh Tây Phương là đầy đủ trọn vẹn chẳng còn thiếu sót vậy.
Đoạn cuối, Đức Phật một lần nữa Ngài nhắc lại sự thù thắng không thể nghĩ bàn của Thế Giới Cực Lạc, giúp khuyến dụ chúng sanh hãy nổ lực tinh tấn tu tập mà sanh về, chớ để chậm trễ, luống uổng qua một đời tu hành này. "Tuy một đời tinh tấn, siêng, khổ cũng chỉ như khoảnh khắc mà thôi". Dưới con mắt Phật nhãn của Ngài thì nhìn cuộc đời này [cùng sự siêng, khổ] chỉ như một khoảnh khắc mà thôi. So với cái gì? So với biển sinh tử mênh mông [trầm luân đang phải chịu đựng nơi đây], so với "thọ ngàn vạn kiếp, tự tại tùy ý" nơi cõi kia. Pháp môn thật là vi diệu, Phật nói "Thân sau sanh vào cõi Vô Lượng Thọ, khoái lạc vô cực!". Chúng ta phải cố gắng học tập, vâng lời Phật dạy.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 34. Tâm Đắc Khai Minh
Ngài Hoàng Niệm Tổ