Vô Lượng Thọ Phật Thọ Mạng Trường Cửu Chẳng Thể Tính Kể Nổi

NPSTD7

 

Vô Lượng Thọ Phật Thọ Mạng Trường Cửu Chẳng Thể Tính Kể Nổi

Chánh kinh:
Phật ngữ A Nan: “Vô Lượng Thọ Phật, thọ mạng trường cửu, bất khả xưng kế. Hựu hữu vô số Thanh Văn chi chúng, thần, trí đỗng đạt, oai lực tự tại, năng ư chưởng trung trì nhất thiết thế giới”.
Phật bảo A Nan: “Vô Lượng Thọ Phật thọ mạng trường cửu chẳng thể tính kể nổi. Ngài lại có vô số chúng Thanh Văn: thần, trí đỗng đạt, oai lực tự tại; họ có thể nắm hết thảy thế giới trong lòng bàn tay”.
Giải:
Phật bảo A Nan: A Di Ðà Phật thọ mạng vô lượng, thọ mạng Ngài trường cửu đến nỗi chẳng có cách nào diễn tả nổi, không cách chi tính toán nổi. Ðây chính là do điều nguyện thứ mười lăm “thọ mạng vô lượng” kết thành. Câu “hựu hữu vô số Thanh Văn chi chúng” (lại có vô số Thanh Văn chúng) chính là điều nguyện mười sáu “Thanh Văn vô số” được thành tựu.
Câu “thọ mạng trường cửu, bất khả xưng kế” (thọ mạng trường cửu chẳng tính kể nổi) biểu thị Pháp Thân rốt ráo của A Di Ðà Phật; do tam thế cùng như một nên thọ mạng vô lượng. Lại do đại nguyện thù thắng độc nhất, vượt xa chư Phật nên thọ mạng của Báo Thân và Hóa Thân cũng đều vô lượng. Phật thọ vô lượng nên thường giác ngộ chúng sanh. Phật nguyện vô cực nên phải có chúng hội rộng lớn. Do đó, chúng Thanh Văn trong cõi Ngài đều vô số vô lượng. Câu “thần, trí đỗng đạt” mô tả đại chúng trong cõi ấy đều hiểu rành thông suốt thần thông, có trí huệ. Sách Vãng Sanh Luận nói: “Chúng trời người bất động (chỉ hội chúng cõi Cực Lạc) từ biển trí thanh tịnh sanh ra”. Sách Luận Chú giảng: “Ðều từ biển trí huệ thanh tịnh của Như Lai sanh ra”. Vì vậy, họ đều “thần, trí đỗng đạt, oai lực tự tại”.
Nói về “thần, trí” thì “thần” (神) là thần thông, “trí” (智) là trí huệ; nói “thần trí” là nói gọn. Nếu ghép Thần và Trí lại thành một từ thì thần trí nghĩa là trí huệ thấy tột cùng sự lý một cách tự tại. “Thần” là sáng suốt; nghĩa là trí huệ ấy sáng suốt thần diệu vô cực. “Ðạt” (達) là thông đạt vô ngại. “Ðỗng” (洞) là thấu triệt rốt ráo. “Oai lực tự tại” là sức oai thần tự tại vô ngại.
Câu “năng ư chưởng trung trì nhất thiết thế giới” (có thể cầm hết thảy thế giới trong lòng bàn tay) hiển thị sâu sắc cảnh giới “quảng hiệp tự tại, nhất đa tương tức” (xin xem lại phần giải thích về môn này trong cuốn một) sự sự vô ngại chẳng thể nghĩ bàn của Hoa Nghiêm. Kinh Duy Ma cũng nói về công đức chẳng thể nghĩ bàn: Cầm một thế giới trong lòng bàn tay. Kinh chép: “Trụ bất khả tư nghị giải thoát Bồ Tát, đoạn thủ tam thiên đại thiên thế giới, như đào gia luân, trước hữu chưởng trung, trịch quá hằng sa thế giới chi ngoại. Kỳ trung chúng sanh bất giác bất tri kỷ chi sở vãng. Hựu phục hoàn trí bổn xứ, đô bất sử nhân hữu vãng lai tưởng; nhi thử thế giới bổn tướng như cố” (Trụ trong giải thoát chẳng thể nghĩ bàn, Bồ Tát bứt lấy một tam thiên đại thiên thế giới như [véo lấy một miếng đất sét] trên bàn xoay của thợ gốm, đặt trong bàn tay phải rồi ném khỏi hằng sa thế giới, nhưng chúng sanh trong thế giới ấy chẳng biết, chẳng hay nơi mình đang trụ. Lại đem đặt trả về chỗ cũ, khiến cho chúng sanh đều chẳng có ý tưởng là [thế giới] bị đem đi hay trả lại, mà bổn tướng của thế giới này vẫn như cũ).

Và: “Bồ Tát dĩ nhất Phật độ chúng sanh, trí tại hữu chưởng, phi đáo thập phương, biến thị nhất thiết, nhi bất động bổn xứ” (Bồ Tát đem chúng sanh trong một cõi Phật đặt trong bàn tay phải, bay đến mười phương, hiện bày khắp hết thảy, nhưng chẳng lay động bổn xứ). Ðại chúng cõi Cực Lạc đều có đủ những công đức oai thần chẳng thể nghĩ bàn như vậy; rõ ràng là thánh chúng trang nghiêm, công đức của chủ lẫn bạn đều chẳng thể nghĩ bàn.

tmvl111559

Ảnh minh họa: "Lại này Xá-lợi-phất, mạng sống của Phật kia và nhân dân của Ngài, vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp, cho nên có tên là A Di Ðà."

(Kinh A Di Đà bằng tranh)

Chúng ta đến với Phẩm 13. Thọ Chúng Vô Lượng. Trong phẩm này có ba nội dung chính, đó là thọ mạng của Phật vô lượng, thọ mạng đại chúng ở đó cũng vậy, vô lượng và số lượng đại chúng [Bồ Tát, Thanh Văn, Trời, Người] ở đó cũng vô lượng. Chúng ta đi vào nội dung đầu tiên đó là “Vô Lượng Thọ Phật thọ mạng trường cửu chẳng thể tính kể nổi". Thọ mạng của Phật A Di Đà trường cửu, không thể tính đếm nổi. Vì sao đã thành Phật rồi vẫn còn có thọ mạng ư? Dạ vâng, Phật vẫn có thọ mạng vậy, khi hết thọ mạng thì sẽ nhập Niết Bàn, chứ không phải 'chết' như chúng sanh. Chẳng hạn Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện ở cõi Ta Bà này chỉ có thọ mạng là 80 năm, sau đó Ngài nhập Niết Bàn, một con số phải nói là thật sự ngắn ngủi vậy. Đúng ra tuổi thọ của Ngài là 1oo tuổi, bằng với tuổi thọ con người thời đó, nhưng Ngài đã từ bi mà 'bố thí' lại 20 năm tuổi thọ của Ngài để làm phước báu cho các tu sĩ hậu thế. Chúng ta làm chút so sánh, khi Đức Phật Di Lặc hạ sanh rồi thành đạo đưới gốc cây Long Hoa, tuổi thọ của Ngài sẽ là 8 vạn 4 ngàn năm, bằng tuổi thọ con người thời ấy. Chúng ta hiện đang trong thời kỳ kiếp giảm, cứ 100 năm giảm một tuổi, hiện tại tuổi thọ con người là 75 tuổi, rồi cứ thế giảm đến còn 10 tuổi, rồi bắt đầu của kiếp tăng trở lại, cứ 100 năm tăng một tuổi, đến khi tuổi thọ con người là 84 ngàn năm thì Đức Phật Di Lặc hạ sanh nơi cõi Ta Bà này để độ sanh. Hiện tại Ngài đang là Bồ Tát nơi cung trời Đâu Suất, khu nội viện.

Còn theo Kinh Vô Lượng Thọ đây nói thì Đức Phật A Di Đà nơi cõi Cực Lạc thọ mạng là vô lượng vô biên không thể tính kể được. Tức là không biết đến bao giờ Phật mới nhập Niết Bàn. Hiện tại Ngài đang ngày đêm thuyết pháp nơi cõi ấy đến nay đã mười kiếp, một kiếp ở đây là bao lâu, tính theo cách nào cũng không biết nữa, chúng ta đọc thấy Kinh giáo nói sao thì biết vậy thôi. Điều này [thọ mạng vô lượng] cũng là từ một Đại Nguyện của Ngài thành tựu mà ra, cho nên bổn hoài của Phật là muốn cứu độ khắp hết thảy chúng sanh cùng được giải thoát, được sanh về cõi ấy, rồi thứ lớp dần thành tựu Phật đạo. Chắc có lẽ đến khi tất cả chúng sanh trong khắp Pháp giới câu hội về đó hết hoặc giả không còn chúng sanh nào còn trong sanh tử khổ đau trong khắp các cõi Phật thì Ngài mới nhập Niết Bàn, 'trao lại' cho Ngài Quán Thế Ấm, rồi tiếp đó là Ngài Đại Thế Chí, tiếp tục 'tiếp quản' để cứu giúp tất cả chúng sanh đều viên thành Phật quả mới thôi. Chúng ta phàm phu thì chắc chắn chẳng biết được, nhưng nếu quả đúng như thế thì thọ mạng của Phật cũng chẳng kém gì 'thọ mạng' của Ngài Địa Tạng vậy. Bởi Ngài Địa Tạng phát thệ nguyện đến "Địa Ngục vị không thệ bất thành Phật", tức Ngài độ cho đến khi nào không còn chúng sanh nào trong Địa Ngục nữa thì Ngài mới thành Phật, mà chúng sanh hãy còn trong sanh tử là còn 'khả năng' đọa Địa Ngục, chỉ khi nào tất cả đều liễu thoát sanh tử hết thì lúc đó mới chắc chắn rằng không còn chúng sanh nào bị lọt xuống 'hầm lửa' nữa. Như vậy tính ra thì từ những Đại Nguyện của Phật A Di Đà đã 'gián tiếp' giúp cho Đại Nguyện của Ngài Địa Tạng Bồ Tát có cơ duyên thành tựu. Bởi chúng ta thấy rõ ràng rằng chỉ có con đường vãng sanh Cực Lạc mới giúp tất cả chúng sanh phàm phu được liễu thoát sanh tử, chứ còn không thì có rất nhiều tầng lớp chúng sanh không cách gì tự liễu thoát được, chúng ta đọc Kinh Địa Tạng thấy nói rất rõ điều đó. Bởi vậy, chỉ có con đường vãng sanh Cực Lạc thôi, hay nói cách khác chỉ có Pháp môn này mới giúp cho tất cả các cõi nước Phật trong khắp Pháp giới mới có cơ may 'dẹp bỏ' Tam đồ ác đạo được, nếu không thì không cách gì dẹp được, vẫn cứ lay day mãi không dứt được.

Chúng ta phân tích dài dòng chút như thế để thấy được rằng, câu Kinh văn Phật nói ra tuy ngắn gọn đơn giản nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa quan trọng cần biết trong đó. Bởi thế, chúng ta thấy, chẳng hạn như khi còn chúng sanh trong Tam đồ hay trong sanh tử nói chung, đang chịu khổ đau như thế, không lẽ Đức Phật Ngài lại 'kết thúc sứ mệnh' độ sanh, nhập Niết Bàn luôn hay sao? Làm sao Ngài lại có thể 'bỏ ngang' như vậy được, không thể! Cho nên, theo ngu ý thì Ngài cũng phải thị hiện để độ sanh nơi cõi ấy chừng nào tất cả chúng sanh đều câu hội về đó hết, hoặc chí ít là không còn chúng sanh nào [trong các cõi nước khác] còn ở trong sanh tử khổ đau nữa thì Ngài mới nhập diệt. Tức là Ngài sẽ cứu độ tất cả chúng sanh giải thoát khỏi sanh tử khổ đau mới thôi, chí ít là như vậy. Còn các chúng sanh đã tự liễu thoát khỏi sanh tử nhưng chưa muốn về thì có thể tự tu tập nâng cao dần cảnh giới, nhưng dạng này kể cũng không dễ dàng gì, bởi cứ 'trồi lên trụt xuống' mãi, tức thoái chuyển mãi không thôi, dù không bao giờ phải sanh tử nữa, nhưng để đạt đến Bất thoái Bồ Tát thì không phải vị nào cũng làm được. Cho nên đến một nhân duyên nào đó thì các vị ấy cũng phải cậy vào Tịnh Độ mà trở về Cực Lạc thôi. Đến ngay các vị Đẳng Giác Bồ tát trong Kinh Hoa Nghiêm nói mà đến bước cuối cùng [phá phẩm vô minh cuối cùng] cũng phải hồi hướng trở về Cực Lạc mới hầu viên mãn Phật đạo được. Cho nên chúng ta hiện tại tu tập đây cũng nên tùy duyên gieo trồng thiện căn câu Phật hiệu này cho chúng sanh hữu tình này kia dưới nhiều hình thức khác nhau như bằng âm thanh, bằng chữ, hay hình tượng Phật... để họ có thể đời này hay đời nào đó cùng tu tập cùng được giải thoát. Bởi một khi họ có được chủng tử Phật hiệu này [niệm, thấy, nghe...] thì sớm muộn gì ắt cũng được cứu độ, còn thời gian bao lâu thì chưa biết được, có khi đời này, có khi nhiều đời sau, có khi vô lượng kiếp 'không tính kể được' mới được độ thoát, nhưng nói chung rằng sẽ được độ. Chẳng hạn, họ đời này không chịu tu không được về, đời sau và nhiều đời sau nữa cũng vậy, rồi 'chờ' cho tới khi hội Long Hoa của Phật Di Lạc ra đời đi nữa thì Đức Phật Di Lặc Ngài khi nói về cái Pháp thù thắng để liễu thoát sanh tử chóng viên thành Phật đạo thì Ngài cũng chỉ nói như vậy, về Pháp tu Tịnh Độ giống như Đức Phật Thích Ca nói vậy, không khác gì cả. Nhưng thời gian để đến đó thì quá dài quá lâu, chúng ta thử tính xem là bao nhiêu năm?

Trên đây là một số vấn đề xoay quanh đoạn Kinh văn "Vô Lượng Thọ Phật thọ mạng trường cửu chẳng thể tính kể nổi". Chúng ta cần nói thêm chút chỗ này, vì sao lại là "chẳng thể tính kể nổi"? Bởi như trên đã nói, chúng sanh trong Tam đồ, trong sanh tử là vô lượng vô biên, để mà độ thoát hết thì cũng phải cần vô lượng vô biên về thời gian vậy, chẳng thể nào tính đếm được. Vì sao vậy? Bởi đơn giản là đâu có ai 'tu giùm' ai được đâu, cho nên Phật độ thoát chúng sanh cũng phải tùy duyên vậy, chúng sanh nào tu tập, như lý như pháp, y giáo phụng hành thì Phật mới cứu độ được, chứ đâu phải muốn cứu độ ai thì cứu đâu, quy luật nhân quả mà! Cho nên các Ngài phải 'kiên nhẫn chờ đợi' là vậy, nên thọ mạng là vô lượng vô biên, không thể xác định được, tức còn phụ thuộc vào việc tu tập của chúng sanh nữa. Từ đây chúng ta thấy rằng, nội chuyện 'tin tưởng' không thôi mà thành ra như vậy, từ nhân duyên được gặp gỡ, rồi chịu tu tập hành trì theo, rồi có rốt ráo hay không v.v... Cho nên ngó đơn giản vậy mà chẳng giản đơn chút nào, phải "xa xưa tu phước huệ", rồi là đừng có "ác, kiêu, biếng nhác, tà kiến"... không đơn giản để có Tín tâm chân thật đầy đủ đâu. Mà thật ra những khó khăn rắc rắc rối đó là do đâu? Dạ vâng, đó là do chính hành giả chúng ta tự dựng lên là chính, chứ chẳng phải từ đâu cả, hay nói cách khác đó là do chính mình làm khó mình thôi. Chứ cứ suy nghĩ đơn giản như bậc ngu phu ngu phụ, Phật nói sao tin vậy, hay thiện tri thức [theo đúng như Pháp] nói sao tin vậy, chẳng hoài nghi gì cả, giữ mãi như thế, rồi cứ thế chân thật hành trì theo tâm huyết đó thì cứ đều đặn chuyên cần vậy thôi chẳng phải là quá sức hay quá nhọc nhằn gì cả, giữ như thế đến cuối đời đảm bảo có chiếc vé về Tây thôi, liễu thoát sanh tử, tự tại an nhiên theo Phật về Tây. Cho nên, nói tóm lại là rằng, phàm phu chúng ta phải nên 'học tập' theo bậc ngu phu ngu phụ mới được, mới dễ gầy dựng và phát khởi Tín tâm chân thật được. Chúng ta nên học theo dạng này mới dễ thành tựu, còn học theo dạng Thượng căn thượng trí ư? Khó lắm! Tại sao khó? Thứ nhất chúng ta rất khó với tới, hơn nữa là chúng ta cũng đâu biết liệu họ như thế nào ra sao đâu mà 'với' mà học tập theo đây? Cho nên cứ theo như các Ngài chỉ dạy, phàm phu chúng ta tốt nhất là hãy 'trở lại ngu si' [thì mới dễ phát khởi Tín tâm chân thật được].

Các phần còn lại chúng ta cùng đọc học tập thêm cho biết.

 

Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ

Phẩm 13. Thọ Chúng Vô Lượng

Ngài Hoàng Niệm Tổ

Các Bài Pháp Nổi Bật

"Tự Mình Chẳng Về, Về Liền Được; Gió Trăng Quê Cũ Há Ai Giành?"

  • Mô tả

    Thư trả lời cư sĩ Vu Quy Tịnh
    (năm Dân Quốc 22 - 1933)

    Đã ăn chay trường niệm Phật, [vẫn cần] hãy nên đem tông chỉ Tịnh Độ và những nghĩa lý tu trì quan trọng kể...
    Muốn học Phật phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành thì mới được. Chẳng thể làm hiền nhân, thiện nhân trong thế gian, làm sao được lợi ích chân thật nơi Phật pháp?

  • Quanh Năm Niệm Phật

  • Mô tả

    Thư trả lời cư sĩ Trầm Thọ Nhân
    (năm Dân Quốc 20 - 1931)

    Vãng sanh là đã siêu phàm nhập thánh, quả thật là may mắn lớn lao

    Nhận được thư ông từ ba hôm trước, biết lệnh lang là Hà Sanh đã niệm Phật vãng sanh. Tuy về Thế Đế, tựa hồ [đó là] chuyện bất hạnh, nhưng vãng sanh là đã siêu phàm nhập thánh, quả thật là may mắn lớn lao. 

  • Cậy Vào Phật Từ Lực Đới Nghiệp Vãng Sanh, Nếu...

  • Mô tả

    Phát khởi mạnh mẽ chí hướng lớn lao

    1) Hết thảy chúng sanh đều sẵn có Tánh Đức, nhưng rất ít có Tu Đức. Nay đã phát tâm học Phật là do từ Tánh Đức khởi lên Tu Đức. Tuy có tâm ấy, nhưng nếu chẳng kiệt thành tận kính tu trì thì Tu Đức chẳng thể tăng trưởng, Tánh Đức vẫn bị phiền não ác nghiệp gây chướng ngại như cũ, chẳng thể hiển hiện được! Như mặt trời trong mây, trọn chẳng thấy được tướng sáng. Vì thế, phải phấn chấn tinh thần, giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, làm các điều lành trong thế gian.

  • Chứng Bất Thoái Ngay Trong Hiện Đời

  • Mô tả

    Chánh kinh:
    Ngã tác Phật thời, tha phương thế giới chư Bồ Tát chúng văn ngã danh giả, chứng ly sanh pháp, hoạch đà-ra-ni, thanh tịnh hoan hỷ, đắc bình đẳng trụ. Tu Bồ Tát hạnh, cụ túc đức bổn. Ứng thời bất hoạch nhất nhị tam nhẫn. Ư chư Phật pháp, bất năng hiện chứng Bất Thoái Chuyển giả, bất thủ Chánh Giác.
    Lúc tôi thành Phật, các hàng Bồ Tát trong các thế giới phương khác nghe danh hiệu tôi liền chứng ly sanh pháp, đắc đà-ra-ni, thanh tịnh, hoan hỷ, đắc bình đẳng trụ, tu Bồ Tát hạnh, đầy đủ cội đức; nếu ngay lập tức chẳng đạt được một, hai, hay ba thứ Nhẫn, với các Phật pháp nếu chẳng thể chứng ngay được Bất Thoái Chuyển thì chẳng lấy Chánh Giác.

  • Pháp Môn Vừa Cực Khó Vừa Cực Dễ

  • Mô tả

    Thư trả lời cư sĩ Tập Hoài Tân
    (năm Dân Quốc 20 - 1931)

    Dù có đắc nhất tâm cũng chưa chắc được vãng sanh

    Ông đã biết lợi ích của việc niệm Phật thì từ rày hãy nên gắng công hơn để tự được nhất tâm. Nhưng một pháp niệm Phật chú trọng vào ba pháp Tín - Nguyện - Hạnh, chỉ biết niệm nhưng không sanh lòng tin và phát nguyện, dù có đắc nhất tâm cũng chưa chắc được vãng sanh. Nếu đầy đủ lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, dẫu chưa đạt nhất tâm bất loạn, vẫn có thể cậy vào Phật từ lực để vãng sanh.

  • Đắc Đà-Ra-Ni

  • Mô tả

    Chánh kinh:
    Ngã tác Phật thời, tha phương thế giới chư Bồ Tát chúng văn ngã danh giả, chứng ly sanh pháp, hoạch đà-ra-ni, thanh tịnh hoan hỷ, đắc bình đẳng trụ. Tu Bồ Tát hạnh, cụ túc đức bổn. Ứng thời bất hoạch nhất nhị tam nhẫn. Ư chư Phật pháp, bất năng hiện chứng Bất Thoái Chuyển giả, bất thủ Chánh Giác.
    Lúc tôi thành Phật, các hàng Bồ Tát trong các thế giới phương khác nghe danh hiệu tôi liền chứng ly sanh pháp, đắc đà-ra-ni, thanh tịnh, hoan hỷ, đắc bình đẳng trụ, tu Bồ Tát hạnh, đầy đủ cội đức; nếu ngay lập tức chẳng đạt được một, hai, hay ba thứ Nhẫn, với các Phật pháp nếu chẳng thể chứng ngay được Bất Thoái Chuyển thì chẳng lấy Chánh Giác.

  • Chiếu Tột Mười Phương

  • Mô tả

    Chánh kinh:
    Ngã tác Phật thời, sở cư Phật sát, quảng bác nghiêm tịnh, quang oánh như kính, triệt chiếu thập phương vô lượng vô số bất khả tư nghị chư Phật thế giới. Chúng sanh đổ giả, sanh hy hữu tâm. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
    Lúc tôi thành Phật, cõi Phật tôi ở rộng rãi nghiêm tịnh, sáng ngời như gương, chiếu thấu mười phương vô lượng vô số chẳng thể nghĩ bàn thế giới của chư Phật. Chúng sanh trông thấy sanh tâm hy hữu. Nếu chẳng được vậy, chẳng lấy Chánh Giác.

  • Hễ Có Tín Nguyện Thì Không Một Ai Chẳng Được Thấm Nhuần, Viên Đốn Thẳng Chóng

  • Mô tả

    Luân chuyển sanh tử bao kiếp dài lâu

    Hết thảy các pháp môn được nói trong giáo pháp cả một đời của đức Như Lai tuy Đại - Tiểu bất đồng, Quyền - Thật đều khác, nhưng không pháp nào chẳng nhằm làm cho chúng sanh đoạn Hoặc chứng Chân, liễu sanh thoát tử, phô bày trọn vẹn cái họ sẵn có, thành ngay vào Phật đạo đó thôi! Nhưng vì chúng sanh căn cơ bất nhất, khiến cho đức Như Lai phải tùy thuận cơ nghi, lập ra đủ mọi cách thuyết pháp Thiên - Viên - Đốn - Tiệm. Nhưng chúng sanh luân chuyển sanh tử bao kiếp dài lâu, Hoặc nghiệp sâu dầy ngăn lấp diệu minh, nếu không phải là người túc căn thành thục lại muốn ngay trong một đời này hoàn thành thì thật là hiếm có mấy ai.