Xuân về trên cõi đất, trăm loài cây cỏ đều được sanh thành, gió lùa trên không, vạn ống sáo đều cùng trỗi tiếng. Trong đời chẳng có quả không nhân, cũng chẳng có cái nhân không quả. Ví như trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, thanh hòa thì tiếng vang thuận, hình thẳng thì bóng ngay! Đấy là những điều cả cõi đời đích thân thấy biết, tin tưởng chắc thật không nghi! Hai chữ “nhân quả” bao trùm khắp hết thảy các pháp thế gian xuất thế gian trọn vẹn không còn sót. Thánh nhân thế gian không vị nào chẳng dạy rõ nhân quả, nhưng do các ngài chuyên chú nơi việc đời, muốn cho đạo ấy được tiếp nối, được truyền thừa, nên chỉ hạn cuộc trong đời này và đời cha, đời con, chứ không giảng rõ chuyện trước lúc sanh ra, chuyện sau khi đã chết, và những chuyện từ vô thỉ trước, chuyện tận vị lai sau. Những kẻ hậu học chẳng thể lãnh hội sâu xa ý thánh nhân, bèn cho người và vật được sanh ra là do bẩm thụ khí trời đất, ngẫu nhiên tụ hợp thành hình hài mà thôi! Đến khi chết đi, hình đã mục nát thì hồn cũng phiêu tán. Không nhân, không quả, thành Đoạn Diệt Kiến! Họ cô phụ thánh giáo, mê mất tánh linh của chính mình quá mức! Khổng Tử khen ngợi sách Châu Dịch, vừa mở đầu liền nói: “Nhà tích thiện ắt sự vui có thừa. Nhà tích điều bất thiện ắt tai ương có thừa!” Cơ Tử soạn sách Hồng Phạm, cuối sách bèn nêu rõ chuyện hưởng dụng ngũ phước, oai dùng lục cực.
Hai là nếu chẳng luận đến tam thế quá khứ, hiện tại, vị lai, thì sự ban tặng của trời đất, ngôn luận của thánh nhân, chánh lệnh của minh quân, phần nhiều sẽ mâu thuẫn nhau (như gian đảng được vinh hoa, phú quý, trung thần bị tru lục, Nhan Uyên đoản mạng, Đạo Chích trường thọ v.v…). Nếu biết tiền nhân hậu quả thì cùng - thông, được - mất đều do ta tự chuốc lấy. Dẫu gặp phải nghịch cảnh, chẳng oán, chẳng hờn, chỉ thẹn đức mình chưa xứng, chẳng thấy lỗi lầm của trời hay người, vui theo mạng trời, không chuyện gì chẳng tự tại tiêu dao. Người ta chỉ thấy ông Hà một nhà từ hiếu, cả bốn đời cùng ở chung một nhà là vui, nhưng chẳng biết nguyên do là vì họ đã nhiều đời vun bồi nên được như vậy.
Phải biết thế giới Sa Bà thọ mạng ngắn ngủi, trăm năm là thượng thọ, nhưng mấy ai đạt được. Nay ông Hà may mắn có mẹ sống thọ đã tròn sáu mươi, nên mở tiệc hoa để mừng thượng thọ. Bày ra đủ loại thi văn để giúp vui cho tiệc chúc thọ. Có thể nói là dốc lòng thờ mẹ, lấy thân mình làm gương. Lại phải biết cái “tột cùng tam thế chẳng dời, chẳng biến, trải muôn đời chẳng giảm, chẳng tăng” mới là thọ lượng chân thật sẵn có nơi tự tâm của lão phu nhân. Bởi một niệm hiện tiền của chúng ta vốn tự linh minh đỗng triệt, trạm tịch thường hằng, quả thật chẳng hai chẳng khác gì với tam thế chư Phật. Nhưng do trái nghịch giác, xuôi theo trần lao, mê tâm chấp cảnh nên đến nỗi vốn chẳng dời, chẳng biến, chẳng tăng, chẳng giảm lại thường bị dời, biến, tăng, giảm, trọn chẳng lúc nào đạt được một niệm thường trụ bất động. Đức Đại Giác Thế Tôn ta thương xót, thị hiện sanh trong thế gian, thành Đẳng Chánh Giác, tùy thuận cơ nghi, rộng lưu ngôn giáo, khiến cho khắp hết thảy chúng sanh trái nghịch trần lao, hiệp theo tánh giác, khôi phục tâm tánh vốn có, diệt được huyễn nghiệp vốn chẳng có, hiểu rõ chân tâm vốn sẵn có. Vì vậy, kinh Hoa Nghiêm nói: “Lạ thay! Lạ thay! Hết thảy chúng sanh đều đầy đủ trí huệ đức tướng của Như Lai, nhưng do vọng tưởng, chấp trước nên chẳng thể chứng đắc. Nếu lìa vọng tưởng thì Nhất Thiết Trí, Tự Nhiên Trí liền được hiện tiền”.
Phải biết: Trí huệ - đức tướng và vọng tưởng - chấp trước chỉ là một tâm, vốn không phải là hai vật. Mê thì toàn thể trí huệ - đức tướng liền trở thành vọng tưởng, chấp trước; ngộ thì toàn thể vọng tưởng, chấp trước liền thành trí huệ, đức tướng. Ví như nước đông thành băng, băng tan thành nước; cũng như say thấy nhà xoay, chứ nhà thật sự không xoay. Mê thì cho là phương hướng thay đổi, chứ phương hướng thật sự không đổi dời. Nói “vạn cảnh vốn nhàn, chỉ có tâm tự ồn náo. Một tâm không sanh, vạn pháp đều dứt”, chính là ý này. Lý này ngộ thì dễ, nhưng chứng thật khó. Nếu chẳng phải túc căn chín muồi, ai có thể tự chứng, tự đạt được! Vì thế, đức Thế Tôn ta riêng ban phương tiện, lập ra pháp môn tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Bất luận thánh hay phàm, ngu hay trí, cho đến những hàng thiên tiên, Tu La, những loài địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, chỉ cần chí thành phát nguyện trì danh hiệu Phật, thánh thì nhanh chóng thành Phật đạo, những loài khác đều đới nghiệp vãng sanh. Đã được vãng sanh thì Hoặc chẳng mong đoạn mà tự đoạn, đức chẳng mong chứng mà tự chứng. Ví như một mảnh tuyết rớt vào lò lớn, chưa đến nơi đã tan; đã gặp được người có đức thì ý niệm hèn tệ hoàn toàn tiêu.
Con hiếu đối với cha mẹ thì trước hết phải chú trọng cái gốc rồi mới lo đến cái ngọn, phụng dưỡng cái thân nhưng phải hướng dẫn cái tâm. Nếu chỉ biết hầu hạ, phụng dưỡng để cha mẹ được yên thân, lập thân hành đạo để cha mẹ được vẻ vang, chẳng biết dùng đạo vô sanh thường trụ, pháp Niệm Phật vãng sanh để khuyên dụ cha mẹ tu trì, sao cho sống thì niệm Phật hiệu, chết sanh về cõi Phật, từ tạ huyễn khổ sanh tử, hưởng chân lạc thường trụ, hầu hạ Phật Di Đà, dự trong hải chúng, nghe viên âm, Tam Hoặc hết sạch, thấy diệu cảnh, Tứ Trí viên minh, chẳng rời An Dưỡng, vào khắp mười phương, thượng cầu hạ hóa, rộng làm Phật sự, triệt chứng Phật tánh vốn sẵn có nơi tâm, rộng làm thuyền Từ độ người trong biển khổ, thì có thể nói là “thấy sự nhỏ quên mất chuyện lớn, được gần bỏ xa, chỉ là cái thấy hạn hẹp của kẻ tầm thường, chẳng phải tầm mắt rộng lớn của bậc thông đạt”.
Nếu có thể làm cho mẹ cùng với mình và gia quyến cùng thoát Sa Bà, cùng sanh về An Dưỡng, cùng chứng vô lượng quang thọ, cùng hưởng pháp lạc tịch diệt, cùng làm pháp vương tử của Phật Di Đà, cùng làm đại đạo sư cho trời - người, thì mới là tận hết lòng từ hiếu, trọn tình nuôi dạy. Từ - hiếu, giáo dục như vừa nói đó chẳng phải là từ - hiếu giáo dục như thế gian thường nói. Đấy chính là chỗ khởi đầu và kết thúc cùng cực của bức gia khánh đồ này.
Trích Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên - Quyển 3
Đại Sư Ấn Quang