Chúng Sanh Đời Mạt Muốn Liễu Sanh Tử, Nếu Chẳng Lấy Tín Nguyện Niệm Phật Cầu Sanh Tây Phương Làm Chí Hướng, Sự Nghiệp, Thì...

NPSTD7

 

Chúng Sanh Đời Mạt Muốn Liễu Sanh Tử, Nếu Chẳng Lấy Tín Nguyện Niệm Phật Cầu Sanh Tây Phương Làm Chí Hướng, Sự Nghiệp, Thì...

Thư trả lời cư sĩ Sa Dung Chi
(năm Dân Quốc 21 - 1932)

Làm gương tốt đẹp [cho cả làng noi theo]

Làm phận con, đạo làm vẻ vang cha mẹ là tận lực thực hành Tu Đức ngõ hầu hết thảy mọi người đều do kính trọng ta mà nghĩ đến đấng sanh ra ta, đấy mới là phương pháp thiết yếu nhất. Thường hay thấy người đời, sau khi cha mẹ khuất núi rồi bèn đi khắp nơi tìm những người có danh tiếng, có địa vị để nhờ viết lời tán tụng, chứ chẳng chú trọng tự mình gắng công tu đức, làm điều nhân nghĩa khiến cho cha mẹ được vang danh. Tôi thường nói: “Người đời phần nhiều chuộng danh ghét thật, đặc biệt muốn phô trương một chốc, chẳng nghĩ tới chuyện kỷ niệm suốt đời!” Ông đã tin nhận Phật pháp, cha ông cũng đã biết nghĩa lý “tâm sẵn có đầy đủ, tâm tạo, tâm làm, tâm là”. Phàm ma chay, chôn cất, kính thần, đãi khách, mọi chuyện đều nên y theo sự chế định của đức Phật, chẳng dùng rượu thịt, ngõ hầu xướng suất cả làng [noi theo gương tốt đẹp ấy].

 

Chết sạch cái tâm mong cầu hết thảy phước báo nhân thiên
Quang già rồi, tinh thần, công phu, mục lực đều chẳng đủ. Chỉ soạn mười sáu câu tụng, chẳng thể viết bài ký Sanh Tây. Ông hãy tự viết, hoặc xin bậc cao nhân khác viết. Gần đây, những chuyện bút mực do người khác nhờ vả Quang đều nhất loạt thoái thác, chẳng phải do không muốn nhọc công vì người khác, mà vì sức chẳng kham nổi! Trong thư ông hoàn toàn chẳng nhắc đến danh tự của cha ông, nên trong phần đầu chỉ đành để trống chỗ hai chữ, xin hãy đề thêm vào. May là cha ông đã được vãng sanh, mẹ ông vẫn còn, cố nhiên nên khuyên chỉ sẵn, ngõ hầu cụ chết sạch cái tâm [mong cầu] hết thảy phước báo nhân thiên vinh hiển hư huyễn trong thế gian, lấy quyết chí vãng sanh hòng siêu phàm nhập thánh làm chí hướng sự nghiệp thì lợi ích lớn lắm. Phàm làm những Phật sự trong khi tang lễ đều nên lấy niệm Phật làm chánh. Nếu niệm kinh, bái sám, làm đạo tràng Thủy Lục thì ít được lợi ích thật sự vậy!

 

Thư trả lời cư sĩ Trương Hải Kiều ở Nam Thông
(năm Dân Quốc 25 - 1936)

Nếu chẳng lấy chuyện cầu sanh Tịnh Độ làm chí hướng, sự nghiệp...

Trong lúc vận nước nguy ngập, dân không lẽ sống này, gặp lúc chuyện tương lai chẳng thể suy tính được này, đã là hạng phàm phu sát đất, đầy đủ Hoặc nghiệp, chẳng thể chuyên tâm dốc chí học Phật, lại cứ muốn ngay trong đời này sẽ giải quyết được đại sự sanh tử vốn chẳng thể giải quyết xong trong trăm ngàn vạn ức kiếp, mà nếu chẳng lấy chuyện cầu sanh Tịnh Độ làm chí hướng, sự nghiệp thì sợ rằng chỉ có nhân, chứ không thể do đâu đạt được cái quả! Quang tự lượng là phận độn căn, lúc mới xuất gia liền quy y nơi Tịnh Độ. Lại do hơn năm mươi năm trải đời, tuy chẳng hiểu rành Phật pháp chi hết, nhưng đối với pháp Tịnh Độ cố nhiên do [đã sẵn] cái chí từ thuở ban đầu nên chưa hề lầm lẫn! Đối với hết thảy những ai hữu duyên đều dùng [pháp này] để kính khuyên.

 

... Sẽ thành ra than dài sườn sượt “mười người hết chín kẻ chần chừ” [vấn đề sanh tử]
Biển sanh tử sâu thẳm, đường Bồ Đề xa vời, muốn trong đời này giải quyết xong đại sự này mà bỏ một pháp Tịnh Độ, đừng nói chi không thông suốt hết thảy pháp môn, dù có thông cũng chẳng thể rốt ráo được hưởng lợi ích thật sự! Vì sao vậy? Do hết thảy pháp môn đều cậy vào tự lực để đoạn Hoặc chứng Chân hòng liễu sanh tử; còn pháp môn Tịnh Độ nếu đầy đủ tín nguyện, niệm danh hiệu Phật, cầu sanh Tây Phương liền có thể cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương. So sánh hai pháp thì sự khó - dễ khác biệt vời vợi như trời với vực! Huống chi đương lúc đại kiếp đón đầu này, vẫn cứ muốn nghiên cứu kinh luận sâu thẳm, chẳng lấy pháp “hễ siêu bèn vào thẳng địa vị Như Lai” này làm chí hướng, sự nghiệp thì sợ rằng khó thể mãn nguyện mà sẽ thành ra than dài sườn sượt “mười người hết chín kẻ chần chừ”!

 

Pháp để trị bệnh cả gốc lẫn ngọn
Nay đặt pháp danh cho ông là Huệ Độ, nghĩa là quy y pháp môn Tịnh Độ được nói ra bởi trí huệ của Phật để tự hành, dạy người, ngõ hầu nương theo Phật từ lực vượt thoát sanh tử, nên có tên là Huệ Độ. Ông biếu Quang tám đồng, Quang bèn gởi cho ông tám đồng kinh sách. Nếu chịu lắng lòng đọc tụng những kinh ấy, mở xem các thứ trước thuật, sẽ tự có thể biết cái nhìn của Quang không lầm! Lại cần phải biết nay đang là đời loạn đã đến mức tột cùng, không có thuốc chữa! Nguyên nhân đều là do học thuyết Tống Nho bài xích nhân quả, luân hồi ươm mầm từ tám chín trăm năm trước, đến nay liền bộc phát! Nay muốn vãn hồi thế đạo nhân tâm, nếu chẳng nêu rõ cái gốc họa này, dù có muốn vãn hồi cũng khó thể được, vì nhân quả là phương tiện lớn lao để thánh nhân trị thiên hạ, để Phật độ chúng sanh, là pháp để trị bệnh cả gốc lẫn ngọn vậy. Quang già rồi, mục lực lẫn tinh thần đều chẳng đủ, từ rày chỉ nên y theo những kinh sách đã gởi mà tu, chẳng cần gởi thư đến nữa để đôi bên khỏi mất công nhọc nhằn!


Thư trả lời cư sĩ Địch Trí Thuần
(năm Dân Quốc 27 - 1938. Ông này vốn có tên là Văn Tuyển)

[Quan trọng là] thật hành
Thư của ông và thư của Liên Phương đã nhận đủ cả rồi. Ông có thể trì được kinh Lăng Già, có thể nói là xưa đã có thiện căn. Pháp ấn tâm chẳng phải chỉ hạn cuộc tại chỗ ấy. Nếu có thể tuân theo [lời dạy của Bồ Tát] Đại Huệ trong phẩm Đoạn Nhục, phàm thấy hết thảy những sinh vật đều coi như cha mẹ, anh em trai, chị em gái, vợ con, quyến thuộc thì môn ấy sẽ rộng mở, không pháp nào chẳng nhập được! Nếu thật sự nhập được môn này (tức “tưởng hết thảy sinh vật như ruột thịt, không ăn thịt chúng nó”) dẫu chưa đạt được pháp ấn tâm, so với những kẻ đã đắc pháp ấn tâm kia nhưng chưa chịu nhập môn này thì công đức cách biệt như trời với vực! Bởi lẽ, một đằng là hiểu xuông nhưng chẳng có tâm đại Bồ Đề, một đằng là thật hành đạo Bồ Đề.

 

Lấy tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương làm chí hướng, sự nghiệp
Vả nữa, đừng cho lời tôi là sai. Dẫu chưa đạt được tâm ấn của Phật, của Tổ, nhưng đem công đức này hồi hướng vãng sanh, hễ được vãng sanh liền lên thẳng [địa vị] Bất Thoái, thân cận Di Đà và thánh chúng, sẽ đích thân chứng được tâm của Phật, của Tổ. Chúng sanh đời Mạt muốn liễu sanh tử, chẳng lấy tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương làm chí hướng, sự nghiệp, tuy sở ngộ giống như Ngũ Tổ Giới (Ngũ Tổ là tên chùa. Sư Giới thiền sư từng làm Trụ Trì chùa Ngũ Tổ ở Hoàng Mai nên cõi đời gọi ngài là Ngũ Tổ Giới), Thảo Đường Thanh cũng chỉ được kết quả [thân sau trở thành] Tô Đông Pha, Tăng Lỗ Công. Đường sanh tử xa xôi, đời sau, đời sau nữa, chẳng biết kết quả lại như thế nào? Pháp môn Tịnh Độ chính là pháp đặc biệt khế lý khế cơ trong cả một đời giáo hóa của đức Phật, dưới là từ Ngũ Nghịch, Thập Ác, trên đến Đẳng Giác Bồ Tát đều nên tu tập, đều có thể siêu phàm nhập thánh ngay trong đời này. Tất cả hết thảy những pháp cao sâu huyền diệu khác phần nhiều khế lý, nhưng trọn chẳng thể khế hợp khắp cả ba căn cơ thượng, trung, hạ. Chúng ta từ vô thỉ cho đến tận đời này vẫn còn lưu chuyển trong luân hồi, đều là vì trong những đời trước do ngu muội nên chẳng dám gánh vác, hoặc do cuồng dại nên hoàn toàn chẳng tin nhận mà ra!

 

Đừng học theo bậc đại thông gia
Quang nói điều này [vì] sợ ông vẫn để chí nơi kinh Lăng Già, lấy chuyện đắc tâm ấn của Phật làm chí hướng, sự nghiệp thì kết quả sẽ giống hệt như Ngũ Tổ Giới, Thảo Đường Thanh mà thôi! Ông đừng học theo bậc đại thông gia, hãy chết lòng trọn ý, tuân theo [lời dạy trong] phẩm Đoạn Nhục tu Tịnh nghiệp thì chắc chắc có thể sanh về Tây Phương được! Quang mục lực chẳng đủ, chẳng thể viết tường tận. Trong mùa Xuân, một đệ tử ở Vô Tích đã in cuốn Đồng Mông Tu Tri (*), một nửa phía sau in kèm theo Phật Pháp Cảm Ứng cũng như mấy bài văn của Quang, cũng có thể giúp cho việc tự lợi, lợi tha. Sách Tang Tế Tu Tri (những điều cần biết trong ma chay, cúng tế) cũng là đạo trọng yếu để dứt tai, trừ họa, tôn trọng cha mẹ, mến yêu cha mẹ. Mỗi thứ gởi hai bản, một để tự giữ, một bản tặng cho người khác xem. Đấy cũng là những sách trọng yếu để người học Phật thay đổi phong tục vậy.
_____________________________________________________

(*) Đồng Mông Tu Tri (trẻ nít cần biết) là một cuốn sách dạy nhi đồng, do Lý Dục Tú biên soạn vào đời Thanh, nội dung dạy những điều cần thiết về phép ứng xử và bổn phận làm người của đứa con trong gia đình. Về sau, ông Giả Tồn Nhân cũng sống vào đời Thanh, tu chỉnh, nhuận sắc, đổi tên sách này thành Đệ Tử Quy.

 

cd2-tile

Ảnh: Một số hình ảnh Cuộc đời và Đạo nghiệp Hòa thượng Tuyên Hóa.

Chuyện liễu sanh tử dễ hay khó Quý vị? Rõ ràng, dễ thì chẳng dễ, mà khó thì chẳng phải quá khó! Thật vậy, nói chẳng khó là do Pháp môn này là nương cậy Phật từ lực mới thành tựu được, nên căn cơ nào cũng có thể tu và đắc [vãng sanh] được. Còn bảo là chẳng dễ cũng chẳng sai, vì mỗi người chúng ta đây [các Bậc trên kia xuống thì chẳng dám nói nhé] đã thành tựu được lần nào đâu [mà bảo rằng dễ]. Bởi vậy, thôi, dễ khó gì cũng mặc, cứ hãy tin [ta làm được]. Mà Pháp môn này phải đắc vãng sanh mới gọi là thành tựu, chẳng giống các Pháp môn khác, đời này tu được chút, đời sau tu tiếp, lại tiếp tục đời sau nữa v.v... Chẳng thể nửa vời như thế được, mà phải rốt ráo, viên mãn. Bởi nếu đời này tu tốt [nhưng tiếc], đời sau hưởng [si] phước, đời sau nữa có thể trở thành đại họa.

Thế nên, sự nghiệp của chúng ta là gì? Chí hướng của chúng ta là gì? Chúng ta cần phải xác định sớm, dứt khoát, đừng chần chừ! Bởi chần chừ, chẳng quyết đoán thì chuyện giải thoát nó cũng như vậy, nó cũng chần chừ, hẹn ước, rồi lại 'y như cũ' thì thôi, quá khổ!

Thật sự thì Pháp môn này không phải thuộc dạng khó nhằn gì đâu! Thật sự là vậy. Nhưng vấn đề cần là chúng ta phải tận tâm tận sức và kiên nhẫn theo đuổi đến cùng là được. Hãy vững tin đi Quý vị. Tin vào điều gì? Hãy tin vào Tha Lực Đại Đạo [tức Di Đà Bổn Nguyện] mà Nương tựa vào đó, cầu sanh về. Niền tin sắc son chẳng đổi, chí nguyện vững như giữ bạch ngọc. Dùng tâm lực ấy mà hành trì công phu niệm Phật, cầu sanh An Dưỡng. Đảm bảo, vạn người như một không sót một ai [đều như sở nguyện]. 

 

Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng

Đại sư Ấn Quang

Lời Phật Lời Tổ

Người Niệm Phật mà có lòng cầu vãng sinh và không nghi Di Đà Bổn Nguyện thì khi lâm chung không bị điên đảo. Sở dĩ được như vậy là nhờ Phật lai nghinh.
Phật lai nghinh là để người tu Niệm Phật lúc lâm chung được chánh niệm, chứ không phải lúc lâm chung cần phải chánh niệm thì Phật mới lai nghinh.
Người không biết nghĩa nầy đều cho rằng lúc lâm chung cần phải chánh niệm Niệm Phật, Phật mới lai nghinh. Kiến giải như vậy là không tin vào Phật Nguyện và cũng không hiểu kinh văn nữa.

___________________________

Thật sự rằng nếu hành giả nào có lòng tin chân thật chẳng nghi cái Pháp này thì không ai chẳng được Phật rước cả, thật sự vậy. Tin cái Pháp này tức là tin cái gì? Đó tức là tin Lời Thệ Nguyện của Phật, tức Di Đà Bổn Nguyện. Cho nên các Ngài mới nói là hành giả mà chẳng nghi Di Đà Bổn Nguyện thì lâm chung chắc chắn được Phật lai nghinh là vậy. Dĩ nhiên ở đây là phải tin cho đúng nghĩa lý, không được tin sai, dẫu cho khó tin cũng phải cố gắng gầy dựng dần. Thật ra ai mà đã tin chắc được Bổn Nguyện theo cái cách 'không chuẩn xác' kia rồi thì bây giờ muốn thay đổi lại để tin cho đúng thì hoàn toàn có thể làm được [phải biết cách một chút], nhưng cái điều quan trọng nhất đó là liệu họ có dám từ bỏ cái tri kiến kia hay không [tức cho rằng mười niệm này là dành cho lúc lâm chung], bởi nếu cứ chấp chặt vào cái kiến giải này quyết không thay đổi thì thôi, đành chịu thua, giờ có nói gì với họ đi nữa cũng vô ích chẳng có tác dụng gì cả [tức bị phạm vô cái "tà kiến" mà Phật đã nói trong Kinh].

"Phật lai nghinh là để người tu Niệm Phật lúc lâm chung được chánh niệm, chứ không phải lúc lâm chung cần phải chánh niệm thì Phật mới lai nghinh": Vậy vì sao Phật lại lai nghinh? Bởi đơn giản là vì người đó có lòng tin chẳng nghi đối với lời Thệ Nguyện của Phật [tức Bổn Nguyện], cho nên 'bắt buộc' Phật phải lai nghinh đến tiếp dẫn người đó về Cực Lạc khi mãn phần, không thể khác được [bởi chỉ cần 'khác' một cái là Phật không thể thành Phật được, mà điều này thì không bao giờ xảy ra]. Cho nên hành giả cần phải gầy dựng cho được lòng tin chân thật đối với Di Đà Bổn Nguyện là vậy, và cần phải tin cho đúng nữa. Chứ còn cũng tin nhưng tin trật [nghĩa lý] thì cũng như không, bởi như vậy thật ra là vẫn chưa tin được gì cả.

Vậy thì dạng chẳng biết Kinh giáo hay Bổn Nguyện gì cả thì sao [dạng tu quãng ngắn, cụ già...]? Họ chân thật niệm Phật và vãng sanh thật thù thắng đó? Trả lời: Dạng này mặc dù chẳng biết Bổn Nguyện là gì cả nhưng thật ra một khi họ tin chắc chẳng nghi điều này 'Niệm Phật chắc chắn được Phật rước, bất luận điều gì xảy ra', tức cũng dạng tin chắc chẳng nghi Di Đà Bổn Nguyện rồi vậy [theo đúng nghĩa lý], cho nên họ được thành tựu thù thắng. Chỉ có điều gầy dựng kiểu này trong quãng ngắn thì được, còn dạng 'đường trường' thì sau một thời gian thì lại mai một, với lại rất khó không phải ai cũng đạt 'tới hạn' được [chí tâm tin ưa, bất sanh nghi hoặc], tức hành giả vẫn còn trạng thái lúc tin lúc ngờ [do thiếu cái Lý rốt ráo để nương tựa]. Cho nên các Ngài mới khuyên dạy nên nương tựa Kinh giáo mà gầy dựng là vậy, dù cho với dạng hành giả nào đi nữa, nếu còn tiếp nhận được thì nên học tập theo, bởi cơ hội thành tựu sẽ vượt trỗi hẳn so với dạng không nương tựa.

Pháp Nhiên Thượng Nhân

Phương Pháp Hành Trì

Các Bài Pháp Nổi Bật

"Tự Mình Chẳng Về, Về Liền Được; Gió Trăng Quê Cũ Há Ai Giành?"

  • Mô tả

    Thư trả lời cư sĩ Vu Quy Tịnh
    (năm Dân Quốc 22 - 1933)

    Đã ăn chay trường niệm Phật, [vẫn cần] hãy nên đem tông chỉ Tịnh Độ và những nghĩa lý tu trì quan trọng kể...
    Muốn học Phật phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành thì mới được. Chẳng thể làm hiền nhân, thiện nhân trong thế gian, làm sao được lợi ích chân thật nơi Phật pháp?

  • Quanh Năm Niệm Phật

  • Mô tả

    Thư trả lời cư sĩ Trầm Thọ Nhân
    (năm Dân Quốc 20 - 1931)

    Vãng sanh là đã siêu phàm nhập thánh, quả thật là may mắn lớn lao

    Nhận được thư ông từ ba hôm trước, biết lệnh lang là Hà Sanh đã niệm Phật vãng sanh. Tuy về Thế Đế, tựa hồ [đó là] chuyện bất hạnh, nhưng vãng sanh là đã siêu phàm nhập thánh, quả thật là may mắn lớn lao. 

  • Cậy Vào Phật Từ Lực Đới Nghiệp Vãng Sanh, Nếu...

  • Mô tả

    Phát khởi mạnh mẽ chí hướng lớn lao

    1) Hết thảy chúng sanh đều sẵn có Tánh Đức, nhưng rất ít có Tu Đức. Nay đã phát tâm học Phật là do từ Tánh Đức khởi lên Tu Đức. Tuy có tâm ấy, nhưng nếu chẳng kiệt thành tận kính tu trì thì Tu Đức chẳng thể tăng trưởng, Tánh Đức vẫn bị phiền não ác nghiệp gây chướng ngại như cũ, chẳng thể hiển hiện được! Như mặt trời trong mây, trọn chẳng thấy được tướng sáng. Vì thế, phải phấn chấn tinh thần, giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, làm các điều lành trong thế gian.

  • Chứng Bất Thoái Ngay Trong Hiện Đời

  • Mô tả

    Chánh kinh:
    Ngã tác Phật thời, tha phương thế giới chư Bồ Tát chúng văn ngã danh giả, chứng ly sanh pháp, hoạch đà-ra-ni, thanh tịnh hoan hỷ, đắc bình đẳng trụ. Tu Bồ Tát hạnh, cụ túc đức bổn. Ứng thời bất hoạch nhất nhị tam nhẫn. Ư chư Phật pháp, bất năng hiện chứng Bất Thoái Chuyển giả, bất thủ Chánh Giác.
    Lúc tôi thành Phật, các hàng Bồ Tát trong các thế giới phương khác nghe danh hiệu tôi liền chứng ly sanh pháp, đắc đà-ra-ni, thanh tịnh, hoan hỷ, đắc bình đẳng trụ, tu Bồ Tát hạnh, đầy đủ cội đức; nếu ngay lập tức chẳng đạt được một, hai, hay ba thứ Nhẫn, với các Phật pháp nếu chẳng thể chứng ngay được Bất Thoái Chuyển thì chẳng lấy Chánh Giác.

  • Pháp Môn Vừa Cực Khó Vừa Cực Dễ

  • Mô tả

    Thư trả lời cư sĩ Tập Hoài Tân
    (năm Dân Quốc 20 - 1931)

    Dù có đắc nhất tâm cũng chưa chắc được vãng sanh

    Ông đã biết lợi ích của việc niệm Phật thì từ rày hãy nên gắng công hơn để tự được nhất tâm. Nhưng một pháp niệm Phật chú trọng vào ba pháp Tín - Nguyện - Hạnh, chỉ biết niệm nhưng không sanh lòng tin và phát nguyện, dù có đắc nhất tâm cũng chưa chắc được vãng sanh. Nếu đầy đủ lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, dẫu chưa đạt nhất tâm bất loạn, vẫn có thể cậy vào Phật từ lực để vãng sanh.

  • Đắc Đà-Ra-Ni

  • Mô tả

    Chánh kinh:
    Ngã tác Phật thời, tha phương thế giới chư Bồ Tát chúng văn ngã danh giả, chứng ly sanh pháp, hoạch đà-ra-ni, thanh tịnh hoan hỷ, đắc bình đẳng trụ. Tu Bồ Tát hạnh, cụ túc đức bổn. Ứng thời bất hoạch nhất nhị tam nhẫn. Ư chư Phật pháp, bất năng hiện chứng Bất Thoái Chuyển giả, bất thủ Chánh Giác.
    Lúc tôi thành Phật, các hàng Bồ Tát trong các thế giới phương khác nghe danh hiệu tôi liền chứng ly sanh pháp, đắc đà-ra-ni, thanh tịnh, hoan hỷ, đắc bình đẳng trụ, tu Bồ Tát hạnh, đầy đủ cội đức; nếu ngay lập tức chẳng đạt được một, hai, hay ba thứ Nhẫn, với các Phật pháp nếu chẳng thể chứng ngay được Bất Thoái Chuyển thì chẳng lấy Chánh Giác.

  • Chiếu Tột Mười Phương

  • Mô tả

    Chánh kinh:
    Ngã tác Phật thời, sở cư Phật sát, quảng bác nghiêm tịnh, quang oánh như kính, triệt chiếu thập phương vô lượng vô số bất khả tư nghị chư Phật thế giới. Chúng sanh đổ giả, sanh hy hữu tâm. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
    Lúc tôi thành Phật, cõi Phật tôi ở rộng rãi nghiêm tịnh, sáng ngời như gương, chiếu thấu mười phương vô lượng vô số chẳng thể nghĩ bàn thế giới của chư Phật. Chúng sanh trông thấy sanh tâm hy hữu. Nếu chẳng được vậy, chẳng lấy Chánh Giác.

  • Hễ Có Tín Nguyện Thì Không Một Ai Chẳng Được Thấm Nhuần, Viên Đốn Thẳng Chóng

  • Mô tả

    Luân chuyển sanh tử bao kiếp dài lâu

    Hết thảy các pháp môn được nói trong giáo pháp cả một đời của đức Như Lai tuy Đại - Tiểu bất đồng, Quyền - Thật đều khác, nhưng không pháp nào chẳng nhằm làm cho chúng sanh đoạn Hoặc chứng Chân, liễu sanh thoát tử, phô bày trọn vẹn cái họ sẵn có, thành ngay vào Phật đạo đó thôi! Nhưng vì chúng sanh căn cơ bất nhất, khiến cho đức Như Lai phải tùy thuận cơ nghi, lập ra đủ mọi cách thuyết pháp Thiên - Viên - Đốn - Tiệm. Nhưng chúng sanh luân chuyển sanh tử bao kiếp dài lâu, Hoặc nghiệp sâu dầy ngăn lấp diệu minh, nếu không phải là người túc căn thành thục lại muốn ngay trong một đời này hoàn thành thì thật là hiếm có mấy ai.

  • Gia Ngôn Lục

    Chàng học trò nọ ở Quý Khê, thi nhiều lần chẳng đỗ, xin Trương Chân Nhân dâng sớ, xuất hồn lên xem bảng trời. Thần phê rằng: “Người này số phận đáng lẽ đỗ đạt, nhưng do lén lút với người thím mà bị mất sạch”. Chân Nhân hoàn hồn, nói với chàng ta lời ấy. Chàng học trò bảo là không có, bèn tự soạn sớ để biện luận. Thần lại phê: “Tuy chẳng có chuyện ấy, nhưng thật sự có cái tâm ấy”. Chàng học trò hổ thẹn chẳng kịp, ấy là vì thời trẻ thấy người thím xinh đẹp, ngẫu nhiên động một niệm [tà vạy] vậy!

    Trong niên hiệu Chánh Đức nhà Minh, Triệu Vĩnh Trinh thuở bé gặp bậc dị nhân bảo: “Năm ngươi hai mươi ba tuổi, ắt đậu Giải Nguyên”. Đến khi thi Hương, văn hay tột bậc, quan chủ khảo đã định chấm cho [Vĩnh Trinh] đậu Giải Nguyên từ mấy hôm trước, chẳng ngờ trong kỳ thi hậu trường, [văn bài của Vĩnh Trinh] bỗng phạm sai sót, cho nên chẳng thi đỗ. Tâm Vĩnh Trinh hết sức uất ức, do vậy, cầu nguyện mộng thấy Văn Xương Đế Quân [để thưa hỏi. Trong giấc mộng] Đế Quân nói: “Khoa thi này ngươi vốn đậu Giải Nguyên, nhưng do gần đây ngươi chòng ghẹo tỳ nữ, dụ dỗ con gái nhà hàng xóm. Tuy đều chưa thành chuyện gian dâm, nhưng đã dấy lòng điên đảo, ý dâm vấn víu! Ruộng tâm ngày một tối tăm, tiếng tăm lẫn địa vị đều tiêu; vì thế, bị phạt trừ sạch!” Vĩnh Trinh khóc lóc, sửa lỗi, làm lành, cho khắc in những lời răn dâm để cảnh tỉnh cõi đời. Khoa thi sau, anh ta bèn đỗ Giải Nguyên, làm quan tới chức Phiên Hiến.

    Cảm Ứng Thiên